Thứ Bảy, 12/06/2021, 10:17 (GMT+7)
.

Cho ngày mai hân hoan

(ABO) Dù đã rất nỗ lực, quyết tâm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua, nhưng rồi Tiền Giang cũng đã xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đó là điều ngoài ý muốn, là sự bất khả kháng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 rất phức tạp, với cường độ lây lan mạnh hơn, nhanh hơn, địa bàn rộng hơn.

a
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: THANH HOÀNG

Với tinh thần quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, UBND tỉnh Tiền Giang buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, bắt đầu từ 0 giờ ngày 12-6-2021. Đó cũng là việc “chẳng đặng đừng”, buộc phải có biện pháp đủ mạnh và cứng rắn để nhanh chóng dập tắt “giặc Covid-19” đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Vào cuối tháng 3-2020, chúng ta cũng đã từng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy, hôm qua, ngày 11-6, khi UBND tỉnh ban hành Công văn 2878 về việc thực hiện giãn cách xã hội trong toàn tỉnh theo Chỉ thị 15, tâm thế đón nhận thông tin trên của nhân dân tỉnh nhà bình tĩnh hơn, chủ động hơn, không còn tâm trạng băn khoăn, lo lắng như lần thực hiện giãn cách xã hội vào cuối tháng 3-2020.

Có lẽ trong suốt 16 tháng qua (tính từ thời điểm ở nước ta phát hiện ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên), mọi người cũng đã dần quen với nếp sống trong điều kiện bình thường mới. Thế nên việc hạn chế ra ngoài khi không thật sự cần thiết, không tụ tập đông người, không tổ chức họp mặt, liên hoan, đám tiệc…; phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn… cũng gần như là thói quen rồi, không còn lạ lẫm, hay “quên” nữa.

a
Người dân TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Văn Thảo

Có thể với một số người, giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng đến kế mưu sinh, giảm thu nhập, hoặc phải gián đoạn việc làm, phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Cũng có thể việc thực hiện giãn cách xã hội bắt buộc một số người phải thay đổi một vài thói quen, như không còn đến quán cà phê vào mỗi buổi sáng, không còn ra công viên, sân bóng chơi thể thao với bạn bè…

Và hôm nay, ngày mai, ngày kia…, hoặc thời gian giãn cách xã hội trong toàn tỉnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ có thể kéo dài hơn, ảnh hưởng đến cuộc sống một số người nhiều hơn, nhưng trên hết vẫn là chúng ta phải đồng lòng, cùng chung tay, góp sức với các cấp, các ngành của tỉnh để đẩy lùi dịch bệnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định về sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, hay “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thế nên, cả hệ thống chính trị của tỉnh dù có nỗ lực cố gắng, dù tinh thần quyết tâm có cao đến đâu mà không có sự đồng lòng, chung tay, góp sức của nhân dân thì “cuộc chiến” này cũng sẽ khó đạt được thắng lợi sớm như kỳ vọng.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, ngay hôm nay, rất cần tinh thần đoàn kết thống nhất, trên dưới một lòng của toàn dân tỉnh nhà, quyết tâm thực hiện nghiêm chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện nghiêm khuyến cáo “5k” của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) để đại dịch Covid-19 trong cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng sớm được đẩy lùi, để ngày mai chúng ta cùng nhau tay bắt mặt mừng, hân hoan trong niềm vui chiến thắng…

THIÊN LÊ


 

.
.
.