.

Khi đất nước nguy nan, mới thấy hết nghĩa tình sâu đậm!

Cập nhật: 21:13, 17/06/2021 (GMT+7)

(ABO) 5 giờ 30 phút hằng ngày, tôi đều mở điện thoại đọc tin tức trên Báo Ấp Bắc, trang web của các Đài Phát thanh Truyền hình, các trang báo điện tử, mạng xã hội... Đó như là thói quen hằng ngày của tôi mỗi khi thức dậy.

Và sáng nay cũng vậy, tôi đọc tin tức và biết cả nước có bao nhiêu ca Covid-19 mắc mới, và lướt thật nhanh để nhìn thấy số liệu tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang hiện tại là bao nhiêu ca trong cộng đồng... là những thông tin tôi tìm kiếm. Số liệu hôm nay tăng lên so với chiều tối qua, tỉnh lại thêm một khu phong tỏa và phải thành lập bệnh viện Dã chiến số 2... Một cảm xúc khó tả! Trận chiến Covid-19 bao giờ mới kết thúc, khi nào thì người dân được trở lại cuộc sống bình thường!?

Ngân hàng Kiên Long - Chi nhánh Tiền Giang ủng hộ 200 triệu đồng cho Quỹ phòng, chống dịch Covid -19.
Ngân hàng Kiên Long - Chi nhánh Tiền Giang ủng hộ 200 triệu đồng cho Quỹ phòng, chống dịch Covid -19. ảnh: NHƯ NGỌC

Từ khi Tiền Giang có ca đầu tiên trong cộng đồng, tôi và gia đình đã thay đổi đồng hồ sinh học cũng như những sinh hoạt thường ngày. Bữa ăn sáng đã được chuẩn bị sẵn. Gia đình quây quần bên nhau “nạp” đầy đủ năng lượng, bảo đảm cho ngày làm việc mới. Vẫn là khung cảnh như thế diễn ra hằng ngày mà sao giờ đây tôi cảm thấy tâm trạng vậy. Thương mọi người trong gia đình, nghĩ xa hơn nữa là những người đang trên tuyến đầu chống dịch... Thấy mình cần có trách nhiệm hơn nữa.

Tôi quan sát thấy, không ít đơn vị, do đặc thù công việc không thể ngồi nhà vì còn rất nhiều chứng từ, hồ sơ giao dịch khách hàng cần giải quyết nên hàng ngày vẫn phải đến cơ quan làm việc. Một anh bạn bên ngành Ngân hàng chia sẻ, có thể một ngày đó đến cơ quan rồi phải ở lại không về, phải đi cách ly vì bản thân mình, đồng nghiệp hay khách hàng dương tính với Covid-19... nhưng không vì vậy mà ngừng việc.

Thật vậy, những ngày này, mọi người động viên nhau dịch bệnh thì dịch bệnh, vẫn phải lao động, sản xuất, kinh doanh, cuộc sống mà. Không thể chờ đợi giải quyết mọi sự bất ổn của thế gian xong mới làm việc khác. Phải thích nghi và bình thường hóa mọi tình huống; xem dịch bệnh là một phần bất trắc của nhân loại để thích nghi và đi làm với một năng lượng tích cực nhất.

Không ít bạn bè tôi chia sẻ, họ thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều bà con ở vùng tâm dịch. Và còn tự nguyện đóng góp những ngày công lao động của mình để chung tay cùng nhà nước phòng, chống dịch Covid-19. Thế mới biết, tình người trong gian khó mới đáng quý biết bao!

Người dân TP. Mỹ Tho hạn chế ra đường
Người dân TP. Mỹ Tho hạn chế ra đường, nâng cao ý thức phòng chống dịch Covid-19

Theo dõi những hình ảnh đồng bào ta đồng cảm, chia sẽ những khó khăn với Y, bác sĩ tuyến đầu, cung cấp nhu yếu phẩm cho bà con vùng dịch, khu cách ly, những câu nói động viên của bạn bè gửi đến những địa phương tâm dịch mới thấy sức mạnh của sự đoàn kết và mới hiểu đầy đủ hơn câu nói Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn…”

Các anh dân quân với những bữa cơm vôi vả giữa trưa nắng đảm bảo an toàn tại khu vực phong tỏa
Lực lượng dân quân chia nhau phần cơm tại các chốt của khu vực phong tỏa. ảnh: CTV

Thật vậy, những ngày qua, nhiều mạnh thường quân, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân ở khắp nơi trên dải đất hình chữ S, nhưng vẫn đau đáu lo cho đồng bào vùng dịch. Có không ít hành động, cử chỉ đẹp, Bệnh viện nào thiếu suất ăn, sẽ có cơm nóng canh ngọt mang đến đúng giờ. Cư dân trong khu phong tỏa nào đang khốn khó, họ chia sẻ thông tin cho nhau và chia sẻ những xuất ăn. Tuyến đầu đang thiếu đồ bảo hộ ư? Bao nhiêu bộ? Rồi rồi… Y bác sĩ đang thiếu khẩu trang ư? Bao nhiêu thùng? Ok! Bếp cần gạo, rau, thịt, trứng,… phải không? Đợi chút… Có ngay! Mọi thứ rụp rụp vận hành dù có người chưa từng gặp nhau ngoài đời.

Người chân yếu tay mềm cũng phụ mang vác. Nơi đọc sách cũng thành nơi nấu nướng... Là những câu chuyện, những hình ảnh đẹp mà tôi bắt gặp trên đường đi tác nghiệp và qua nhiều phương tiện truyền thông, trang viết của các mạnh thường quân, blog cá nhân, cộng đồng mạng. Trong những ngày đất nước nguy nan này mới thấy nghĩa tình sâu đậm!

Các anh dân quân với những bữa cơm vôi vả
Những bữa cơm thấm đượm nghĩa tình từ người ngoài khu phong tỏa chuyển đến bà con trong khu vực phong tỏa tại xã Mỹ Hạnh Đông. ảnh: CTV 

Từ khi dịch bùng phát ở tỉnh ta và nhất là khi huyện Cái Bè, TX. Cai Lậy, TP Mỹ Tho bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ, người dân Tiền Giang cũng phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đó là hình ảnh người ngoài khu cách ly tiếp tế lương thực cho người trong khu cách ly; sự chung tay đóng góp cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Ý thức trách nhiệm với cộng đồng nhiều hơn, gặp nhau chỉ chào nhau qua ánh mắt, nhưng sao thấy ấm áp, chân tình đến vậy... Tất cả như tiếp thêm sức mạnh tinh thần để mỗi chúng ta vững vàng vượt qua trận chiến cam go này.

Những ngày qua, TP Mỹ Tho, TX. Cai Lậy như sống chậm lại. Những tuyến đường, góc phố đông đúc hắng ngày trở nên vắng lặng. Bản tin thông báo tình hình dịch bệnh trong ngày vang lên trên loa phát thanh trên phố.... Tiền Giang quê mình đang căng mình chống dịch; nhiều khó khăn đang chờ phía trước.

Song, tôi nghĩ rằng, với các kịch bản ứng phó của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cùng với ý thức trách nhiệm với cộng đồng của mỗi người dân. Và hơn hết là niềm tin tích cực mỗi ngày, thì dịch bệnh sẽ qua mau, mọi việc sẽ ổn. Tôi tin như thế!

GIA TUỆ

 

.
.
.