Thắng đại dịch bằng sức mạnh truyền thống!
(ABO) Sự thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã được thế giới ca ngợi. Sự thành công ấy, trước hết là nhờ tài điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của tất cả các lực lượng, tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; từ sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước, đặc biệt là sự đóng góp quý báu của cộng đồng doanh nghiệp.
BS Đặng Minh Hiệu, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh "xuống tóc" để vào tâm dịch Bắc Giang. Ảnh: Facebook PGS.TS.BS Lê Minh Khôi |
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, từ sự thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta, có những học giả, những nhà khoa học nước ngoài chỉ ra rằng đấy chính là Việt Nam khai thác được sức mạnh truyền thống. Không có nước nào mà Thủ tướng Chính phủ lên các phương tiện truyền thông tuyên bố “chúng ta phải chống dịch như chống giặc” như ở nước ta.
Rõ ràng, Việt Nam có những truyền thống quý báu mà không phải dân tộc nào cũng có được. Đó là truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình… Ca dao có câu: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”. Truyền thống ấy lại một lần nữa được khơi dậy mạnh mẽ và phát huy hiệu quả tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 suốt hơn 18 tháng qua.
Nhìn lại lịch sử nước nhà dễ dàng nhận thấy truyền thống của dân tộc có sức mạnh vô cùng to lớn. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước ta đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là những khó khăn về kinh tế, tài chính. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận động nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ Vàng” động viên nhân dân tình nguyện ủng hộ xây dựng “Quỹ Độc Lập”. Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 17 đến 24-9-1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước đã ủng hộ cho “Quỹ Độc Lập” được 20 triệu tiền đồng và 370 kg vàng.
Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19-12-1946, nhân dân ta bất luận đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ… đều đoàn kết một lòng, đứng lên tham gia đánh giặc cứu nước với tinh thần: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “Còn cái lai quần cũng đánh”, “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc…”.
Đội ngũ y, bác sĩ nam của TP. Hải Phòng đồng loạt “xuống tóc” trước khi vào tâm dịch Đà Nẵng để “chia lửa” với đồng nghiệp trong công tác phòng, chống dịch. Ảnh Tuoitre.vn |
Đại dịch Covid-19 quét qua toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Một lần nữa, truyền thống quý báu của dân tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ như những năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non/ gan không núng/ chí không mòn!” trong đấu tranh giành độc lập dân tộc. Mỗi đợt dịch bùng phát, đội ngũ y, bác sĩ, bộ đội, công an… gác lại tình riêng, hăng hái viết đơn tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch, dù ai cũng biết nơi ấy nhiều khó khăn, vất vả và cả nguy hiểm luôn rình rập.
Tinh thần “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc…” cũng được toàn dân vận dụng nhiều sáng tạo để hỗ trợ Nhà nước, đồng bào trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Để đóng góp sức mình cho đất nước trong công tác phòng, chống dịch, nhiều cây ATM gạo miễn phí được thiết kế khắp nơi trên cả nước; các cửa hàng 0 đồng ở các điểm cách ly, phong tỏa phòng, chống dịch cũng mọc lên để chia sẻ khó khăn với đồng bào.
Người dân đến nhận gạo miễn phí tại "cây gạo VNPT" ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Cao Thắng - Lý Oanh |
Rồi các mẹ, các chị, các anh… tổ chức nấu ăn để cung cấp những suất ăn miễn phí đủ chất dinh dưỡng, đầy nghĩa tình cho đội ngũ y, bác sĩ và những cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch nơi tuyến lửa. Các tiểu thương, người buôn bán nhỏ, các em học sinh, các cô chú nghỉ hưu gói ghém từng đồng tiền lương ít ỏi của mình để đóng góp cho đất nước mua vắc xin, mua các nhu yếu phẩm gửi đến các tuyến đầu phòng, chống dịch…
Truyền thống yêu nước, đoàn kết, bát ái, nghĩa tình… của dân tộc ta lại một lần nữa được vận dụng đầy sáng tạo, từ đó đã phát huy sức mạnh to lớn trong cuộc chiến không tiếng súng, nhưng khó khăn, thách thức cũng không thua kém bất kỳ cuộc chiến nào trong lịch sử của dân tộc. Với sức mạnh truyền thống của dân tộc, tin rằng cuộc chiến với đại dịch Covid-19 dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhất định chúng ta sẽ chiến thắng!
THIÊN LÊ