Ý thức cộng đồng trước đại dịch Covid-19
(ABO) Trong những ngày giãn cách xã hội, chúng ta nghe người dân nói nhiều về ý thức cộng đồng. Không ít người đăng những dòng trạng thái trên các trang mạng xã hội như: Chưa bao giờ ý thức cộng đồng trở nên quan trọng và cần thiết với con người như lúc đại dịch Covid-19. Thậm chí có người nói rằng: Điều cần nhất bây giờ là ý thức, hay chỉ có ý thức cộng đồng mới giúp chúng ta vượt qua đại dịch!...
Còn nhớ vào cuối tháng 8-2020, Tạp chí Cộng sản điện tử đăng bài viết "Chủ nghĩa cộng đồng và việc phát huy các giá trị cộng đồng trong ứng phó với khủng hoảng Covid-19 ở Việt Nam" của TS. Lê Thị Thu Mai -Viện Chính trị học thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tác giả bài viết cho rằng, chủ nghĩa cộng đồng đề cao giá trị cộng đồng: Lợi ích chung, phúc lợi chung và các quyền mang tính cộng đồng, coi đó là sợi dây liên kết hành động của cá nhân, xác định các quyền và nghĩa vụ cụ thể của cá nhân đối với cộng đồng.
Tác giả bài viết đã nâng ý thức cộng đồng thành chủ nghĩa cộng đồng - được hiểu là một xu hướng triết học xã hội và chính trị nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng trong các hoạt động của đời sống chính trị, trong phân tích và đánh giá của các thiết chế chính trị, trong việc tìm hiểu bản sắc con người và hạnh phúc. Có thể hiểu để đối lập với khái niệm chủ nghĩa cá nhân.
Người phụ nữ không có ý thức cộng đồng, không chịu mang khẩu trang và không đồng ý khai báo y tế, chống người thi hành công vụ. |
Thật vậy, chúng ta đều biết, quyền riêng tư của bản thân con người trong cộng đồng rất đáng được xã hội văn minh tôn trọng và được nhà nước pháp quyền bảo vệ; song, quyền riêng tư ấy không được ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chính đáng của cộng đồng. Trong những ngày “làn sóng thứ 4” của đại dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta mới thấy rõ hơn ý thức cộng đồng có vai trò quan trọng như thế nào. Bởi nếu một người không có ý thức chẳng may nhiễm bệnh thì ngay lập tức không chỉ có khu dân cư nơi người này sinh sống mà nhiều nơi mà người này ghé đến sẽ bị khoanh vùng phong tỏa; kéo theo nhiều người phải ngày đêm phục vụ cho các nơi bị phong tỏa, chưa kể kéo theo bao nhiêu là hệ lụy khác mà dễ dàng nhìn thấy nhất cuộc sống bao nhiêu con người bị xáo trộn...
Thực tế đã xảy ra không ít trường hợp người dân thiếu ý thức như: Không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, không tuân thủ 5K, chống đối người thi hành công vụ… Điển hình là ổ dịch Covid-19 trên địa bàn xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xuất phát từ bà H.M.T. (ngụ đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh). Bà T. về nhà chồng tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hạnh Đông mà không tự giác khai báo y tế, không chấp hành cách ly phòng, chống dịch, không hợp tác với cán bộ y tế trong lấy mẫu xét nghiệm.
Hậu quả là đã có 23 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và nhiều ca nghi nhiễm. Từ ổ dịch này đã lây nhiễm dịch bệnh đến các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như: Xã Long Khánh, TX. Cai Lậy; phường 9, TP. Mỹ Tho… Hay gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ đi xe máy từ TP. Hồ Chí Minh về Tiền Giang, khi đến chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 không chịu khai báo y tế, không đeo khẩu trang mà còn chống người thi hành công vụ...
Một vị cao niên khi nói về ý thức cộng đồng, đã cho rằng: "Trong khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, loa phát thanh từ tỉnh đến cơ sở phát liên tục về việc nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh thực hiện 5K, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, thì vẫn còn có không ít người chưa để tâm, thậm chí còn mời bạn đến nhà bày tiệc tùng, “chén chú chén anh”, bất chấp dịch đang bùng phát. Người dân trong xóm khi thấy cảnh này, người thì chửi thầm, người thì muốn báo công an phường nhưng rồi lại lo sợ bị trả thù… vậy nên im lặng! Và thực tế từ việc thiếu ý thức này đã từng dẫn đến một ấp, môt khu phố hay một chợ bị phong tỏa".
Người dân TP. Mỹ Tho hạn chế ra đường, nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19. |
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc thiếu ý thức cộng động, nhiều chuyên gia văn hóa học, triết học đã có nhiều bài phân tích sâu như trựu trung lại cho rằng, trong văn hóa Việt Nam, ý thức cộng đồng thường chỉ được tỏa sáng vào những lúc đất nước đang có nhiều biến động dữ dội, thì sức mạnh của sự đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm mới được đề cao. Còn trong hoàn cảnh bình thường chúng ta vẫn thường hay nói “đèn nhà ai nấy sáng”. Chính tư duy này đã dẫn đến tính cộng đồng trách nhiệm của một bộ phận người ngày càng không được đề cao, nghĩa là bình thường chúng ta chưa quan tâm đủ cho việc chăm bồi, vun đắp để mỗi người đều có ý thức cộng đồng từ những việc làm nhỏ hằng ngày.
Ý thức cộng đồng thường là kết quả của quá trình tuyên truyền, vận động giáo dục lâu dài - từ trên ghế nhà trường, thậm chí từ giai đoạn tiền học đường. Ý thức cộng đồng còn là sản phẩm của quá trình trực quan và làm theo những người có uy tín trong cộng đồng, để từ đó hình thành tư duy, lối sống.
Vì vậy thiết nghĩ, cần chú trọng giáo dục bồi dưỡng ý thức cộng đồng đối với mỗi người ngay từ nhỏ, khi mỗi người đều biết đồng cảm, biết chia sẻ ngay trong điều kiện bình thường thì lúc gặp phải hoàn cảnh khắc nghiệt như đại dịch Covid-19 thì việc nâng cao ý thức, huy động sức mạnh tổng hợp của nhiều người để kiểm soát dịch bệnh cũng dễ dàng hơn.
Từ đại dịch Covid- 19, các ngành, các cấp và mỗi gia đình, mỗi cá nhân có thể nhận diện một cách đầy đủ hơn về những việc làm được và cả những việc chưa làm được để có thể điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tiễn. Qua đó cho thấy, ý thức cộng đồng có vai trò quan trọng, một xã hội văn minh giàu tính nhân văn, thì không thể có một cộng đồng thiếu ý thức. Song, đây là vấn đề lâu dài, cần sự chung tay của toàn xã hội.
Bối cảnh hiện nay đòi hỏi mỗi chúng ta phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để khơi dậy niềm tin, phát huy ý thức sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, tự bảo vệ mình cũng là bảo vệ những người chung quanh, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh!
GIA TUỆ