.

Chống dịch mạnh mẽ và quyết liệt hơn

Cập nhật: 16:22, 14/08/2021 (GMT+7)

(ABO) Đến nay, dịch Covid-19 với biến chủng Delta đã xuất hiện ở hơn 130 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch đang diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều địa phương và tiếp tục diễn biến khó lường. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm ngày qua, số ca mắc Covid-19 duy trì ở mức cao, từ hơn 8.000 đến hơn 9.000 ca/ngày và đến chiều 13-8, cả nước đã vượt ngưỡng 250 ngàn ca.

Riêng tại Tiền Giang, tính đến 19 giờ ngày 13-8, con số ca mắc Covid-19 của tỉnh đã vượt 5.600 ca; tổng số ca tử vong đến nay là 130 ca. Tại buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang vào chiều ngày 13-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, tình hình dịch bệnh hiện nay trên cả nước, trong đó có Tiền Giang vẫn đang diễn biến phức tạp. Công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những thành quả nhất định, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

P Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lưu động cho người cao tuổi trên địa bàn.
Tỉnh Tiền Giang tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn.

Thực tế, tình hình dịch Covid-19 hiện nay vẫn còn nhiều phức tạp. Trong khi đó, tại Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đặt ra mục tiêu kiểm soát được dịch ở các địa phương vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 và TP. Hồ Chí Minh là ngày 15-9.

Để làm được mục tiêu này, ngay từ bây giờ, các địa phương cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Và tại cuộc họp Chính phủ ngày 11-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu rõ: Mỗi cơ sở, cơ quan, đơn vị phải là một pháo đài, mỗi người dân phải là một chiến sĩ phòng, chống dịch.

Trên tinh thần đó, tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, khả năng tác động, bùng phát của dịch có thể còn lớn hơn nhiều lần nữa nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống mạnh mẽ, quyết liệt như trong thời gian qua.

Qua diễn biến tình hình và thực tế công tác chống dịch, người đứng đầu ngành Y tế rút ra sáu bài học kinh nghiệm về: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ từ sớm; kiên định các giải pháp chuyên môn kỹ thuật, đồng thời chủ động, linh hoạt các giải pháp; chuẩn bị công tác hậu cần theo phương châm “bốn tại chỗ”, thúc đẩy hợp tác quốc tế hỗ trợ các nguồn lực cho phòng, chống dịch; đẩy mạnh truyền thông vừa cổ vũ tinh thần chống dịch, vừa không gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Về phía Bộ Y tế cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung, ưu tiên hàng đầu việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Theo đó, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư; huy động cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc… Các địa phương tiếp tục triển khai kịp thời, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như giãn cách, cách ly xã hội, “vắc xin + 5K” và “chiến lược vắc xin” phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương thực hiện chia tầng điều trị theo mô hình tháp ba tầng. Trong đó, tại tầng thứ nhất, bao gồm các bệnh viện dã chiến, các địa điểm tại cộng đồng, kể cả tại gia đình… để quản lý và chăm sóc người nhiễm Covid-19 không triệu chứng. Tầng điều trị thứ 2 là các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, phục vụ những người bệnh có triệu chứng trung bình. Đối với tầng thứ ba, tầng chuyên điều trị hồi sức tích cực cho người bệnh nặng, tất cả các địa phương phải chuẩn bị ngay…

Những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó”; đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin cũng như tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước. Bên cạnh công tác dự phòng, thì vấn đề điều trị cần được coi là ưu tiên trọng tâm trong giai đoạn hiện nay để giảm đến mức thấp nhất trường hợp tử vong.

Còn đối với Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu tỉnh nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp dập dịch để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, phấn đấu đến ngày 25-8 phải cơ bản kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu Tiền Giang huy động cả bộ máy chính trị ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chống dịch là chính, dành thời gian tối đa nhất cho công tác chống dịch; phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát. Các cấp lãnh đạo cần bám sát thực địa, từ đó nắm bắt tình hình, đưa ra phương án phòng, chống dịch phù hợp.

Ngày 13-8-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang cũng đã tổ chức họp bàn giải pháp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo tại Nghị quyết 86 của Chính phủ. Trên tinh thần kết luận chung của cuộc họp, Tiền Giang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Trong giai đoạn quyết liệt, quyết định này, vai trò của từng đồng chí Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở các cấp phải được nâng lên ở mức cao nhất, thể hiện quyết tâm, bản lĩnh chính trị của người lãnh đạo để có quyết sách đúng, kịp thời, tránh việc do dự, sợ trách nhiệm, hoặc đổ lỗi cho nhau.

HỮU NGHỊ

.
.
.