Thứ Sáu, 06/08/2021, 14:29 (GMT+7)
.

Để ngành Vận tải thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép"

(ABO) Hiện cả nước có trên 3 triệu xe ô tô, hơn 600.000 tàu sà lan vận tải thủy nội địa tham gia kinh doanh vận tải công cộng. Các phương tiện này đang tập trung trong gần 1.500 hợp tác xã (HTX), hàng trăm công ty cổ phần, công ty tư nhân, hộ tư nhân, cùng với các cảng, bến bãi tạo ra chuỗi logistics vận chuyển hơn ngàn triệu tấn hàng từ nội địa ra các cảng biển đi ra các châu lục.

a
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 của lái xe tải ở địa phương khác vào tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

1- Trong 6 tháng đầu năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, ngành Vận tải có nhiều biến động lớn. Điều tra sơ bộ cho thấy, kết quả kinh doanh không đồng đều như: Vận tải hành khách giảm trên 40%, nếu tính cả tháng 7 thì giảm sâu hơn. Vận tải khách du lịch giảm rất sâu tới 85%. Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và tàu thủy đạt cao, tương đương năm 2020, đặc biệt là xe container vận chuyển hàng xuất nhập khẩu tăng mạnh (29,1%) so với cùng kỳ; riêng tháng 7 vận chuyển đường bộ có sụt giảm.

Riêng ô tô vận chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm bị “rối” khoảng 1 tuần đầu khi các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau đó, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức lại như phân luồng xanh, cấp mã QR code cho xe chở hàng, quy định thời gian có giá trị của xét nghiệm Covid 19… nên tình hình đã tạm ổn định.

Đến nay, chưa có HTX, công ty vận tải nào do bị dịch bệnh Covid-19 phải ngừng hoạt động. Nhưng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài đến cuối năm thì nguy cơ giải thể với nhiều đơn vị là hiện hữu. Đặc biệt là các đơn vị vận tải khách du lịch quốc tế và nội địa (cả thủy lẫn bộ), nhất là những doanh nghiệp mới thành lập khoảng 3 - 4 năm trở lại đây.

a
Các tài xế chở hàng hóa thiết yếu sẽ phải xuất trình phiếu xét nghiệm âm tính còn thời hạn để được vào tỉnh, thành khác. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

2- Về vấn đề vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo cho việc lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy, hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu nói chung dù là tại chỗ hay luân chuyển trên đường (đường bộ, sông, biển hay hàng không) và phương tiện vận tải các loại đều không phải là nguyên nhân lây nhiễm, phát tán vi rút Covid-19. Chỉ có người trực tiếp điều khiển phương tiện như lái, phụ xe, lái phà, thuyền trưởng, thuyền viên, nhân viên shipper…, nhân viên giao nhận hàng, công nhân bốc xếp (ở các ga, cảng, bến, bãi) mới là đối tượng trực tiếp giao tiếp, đi theo phương tiện di chuyển đi gần xa khắp ngang cùng ngõ hẻm cả nước là người dễ bị lây nhiễm và làm lây lan dịch bệnh Covid-19.

Do đó cần tập trung các biện pháp phòng, chống Covid-19 cho lực lượng này như: Trang bị che, chắn mặt, tay, quần áo bảo hộ, test nhanh... và ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Đề nghị Bộ GTVT có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố đưa nhóm lái, phụ xe, thuyền trưởng, thuyền viên, công nhân bốc xếp vào vị trí sau nhóm ưu tiên tiêm vắc xin theo Quyết định 21 của Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu giảm hoặc không thu phí test nhanh đối với lái xe, lái tàu (từ 280.000 - 320.000 đồng/lần test nhanh, 700.000 đồng/test PCR, trong khi giấy chỉ có giá trị 72 giờ). Vì hiện nay, vận tải không thể tăng giá trong mùa dịch, trong khi đã phải tăng lương cho lao động, chi phí khử trùng xe, tàu và mọi trang bị an toàn phòng dịch cho người lao động.

Về chính sách tài chính, đề xuất giảm, miễn phí thuế, tiền thuê đất, giảm lãi suất tiền vay của ngân hàng, quỹ đầu tư trong thời gian dịch bệnh; giãn thời gian trả vốn, lời cho các HTX trong thời gian dịch bệnh. Đặc biệt là chú ý ưu tiên các HTX vận chuyển hàng xuất nhập khẩu vận chuyển trên tuyến đầu.

Ngoài ra, cũng lưu ý việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đối với các đối tượng vận chuyển hành khách nội địa, bến phà ngang sông, vận chuyển khách du lịch trong nước và quốc tế. Vì thực tế việc tiêm ngừa Covid-19 xong 2 mũi cũng phải mất 40 ngày mới tạo đủ khả năng miễn dịch tối đa. Việc tiêm ngừa trước cho đối tượng này nhằm chuẩn bị khi Nhà nước tuyên bố hết dịch, chuyển sang trạng thái bình thường mới, đối tượng này có thể nhanh chóng bắt tay vào hoạt động vận tải an toàn. 

 TRẦN ĐỖ LIÊM
              (UVBCH  Liên minh HTX Việt Nam
                Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam)




 

.
.
.