Chủ Nhật, 01/08/2021, 08:38 (GMT+7)
.

Dốc sức chống dịch

(ABO) Đối diện với làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, Tiền Giang đang nỗ lực triển khai các giải pháp đã được định hình và chứng minh hiệu quả nhất định trong ứng phó với đại dịch Covid-19. 

Những ngày qua, nhiều quyết định, chính sách về phòng, chống dịch Covid-19 được tỉnh ban hành và triển khai nhanh chóng. Những cuộc họp điều hành, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh với Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thường xuyên diễn ra trong tuần, cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Công tác tiêm phòng, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, xét nghiệm tầm soát Covid-19 diện rộng nhằm kịp thời tách F0 ra khỏi cộng đồng được các địa phương trong tỉnh khẩn trương tiến hành.

Mới đây nhất tại buổi làm việc của đoàn công tác của Bộ Y tế với tỉnh Tiền Giang vào chiều tối 31-7, tỉnh Tiền Giang đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế khẩn cấp hỗ trợ tỉnh trang thiết bị cần thiết; đồ bảo hộ y tế để đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ y tế và đặc biệt là hỗ trợ thêm cho tỉnh 10 bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu; 30 điều dưỡng; 50 nhân sự xét nghiệm, lấy mẫu...

Bên cạnh đó, tỉnh đã sẵn sàng các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, ngày 26-7, tỉnh đã kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 4 với quy mô 650 giường bệnh để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại 3 cơ sở ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Tân Phước. Đến ngày 30-7, tỉnh tiếp tục đưa vào hoạt động Bệnh viện Dã chiến số 5 điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Nhà Thiếu nhi tỉnh trực thuộc Sở Y tế, với quy mô 1.000 giường bệnh.

Tỉnh Tiền Giang đã
Tỉnh Tiền Giang đã đưa vào hoạt động Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19.

Như vậy, bên cạnh 6 bệnh viện dã chiến hiện có của tỉnh và của Quân khu 9 đặt trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19, Tiền Giang cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19, đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang (phường 1, TP. Mỹ Tho) với 90 giường bệnh. Trung tâm là tuyến cuối của tỉnh điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng, được trang bị các trang thiết bị y tế hiện đại và bố trí đội ngũ y, bác sĩ chuyên môn giỏi. Đây được xem nỗ lực lớn của tỉnh trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong của các bệnh nhân trong tỉnh.

Trong những ngày Tiền Giang mới thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, số ca mắc Covid-19 hằng ngày liên tiếp có chiều hướng gia tăng. Ban đầu, tỉnh cũng có lúng túng với những hạn chế từ khâu tổ chức cách ly, điều tra truy vết tới việc đảm bảo cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những hạn chế ấy đã được rút kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp khắc phục với mục tiêu cao nhất là tập trung cao độ để dập “đám cháy” mang tên Covid-19 đang lan rộng trong cộng đồng.

a
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang (bìa phải) kiểm tra công tác chuẩn bị khu cách ly tập trung tại Trung đoàn 924 (xã Phú Cường, huyện Cai Lậy).

Những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ vừa qua dù rất cố gắng nhưng Tiền Giang vẫn không đạt được mục tiêu kịch bản giảm F0 và phải thực hiện thêm kịch bản tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 với các giải pháp nâng cao. Mới nhất, vào tối 31-7-2021, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Công văn 4167 tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn tỉnh thêm 14 ngày từ 00 giờ ngày 2-8-2021.

Theo tinh thần Công văn 4167 với các biện pháp hết sức quyết liệt, chưa có tiền lệ; tiếp tục yêu cầu mọi người dân không được ra đường từ 18 giờ 00 đến 5 giờ 00 (hằng ngày) từ ngày 2-8-2021 cho đến khi có thông báo mới (trước đây là từ 18 giờ 00 đến 5 giờ 00, hằng ngày).

Chia sẻ với những khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội, trong bài viết “Tiền Giang đoàn kết, quyết tâm vượt qua đại dịch” của đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đăng trên Báo Ấp Bắc điện tử ngày 15-7-2021 có đoạn viết: “Việc thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ chắc chắn sẽ có khó khăn trong việc đi lại và cuộc sống của mọi người, nhưng đây là yêu cầu cần thiết để khoanh vùng dập dịch, nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường”.

Để động viên người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cũng có thư gửi nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh kêu gọi tất cả đều vì mục đích chung là để ứng phó với tình thế cấp bách “chống dịch như chống giặc” nhằm giữ gìn sức khỏe, sự an toàn cho mọi người, mọi nhà và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp...

Trong thư gửi nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh bày tỏ niềm tin rằng, khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời, Tiền Giang sẽ mạnh mẽ vượt qua đại dịch nhờ sự chung sức, chung lòng của tất cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà. Rất mong bà con cảm thông, chia sẻ, tiếp tục ủng hộ chủ trương của tỉnh, chấp nhận khó khăn trong một khoảng thời gian nhất định để sớm kiểm soát, khống chế, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đến kiểm tra tại khu cách ly Trường THPT Gò Công Đông. Ảnh: LÂM - THẮNG
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đến kiểm tra tại khu cách ly Trường THPT Gò Công Đông. Ảnh: LÂM - THẮNG

Nhiều người dân đồng tình và ủng hộ chủ trương của tỉnh, chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo vệ thành quả công tác phòng, chống dịch trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp. Trong bài viết “Tiền Giang đoàn kết, quyết tâm vượt qua đại dịch”, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang đã bày tỏ tin tưởng và mong mỏi rằng, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà sẽ đồng cảm, chia sẻ với lãnh đạo tỉnh, với chính quyền các cấp trong phòng, chống đại dịch. Nếu mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, mỗi ấp, khu phố, mỗi xã, phường, thị trấn, mỗi huyện, thành, thị là một pháo đài phòng, chống dịch, chúng ta nhất định sẽ thành công, cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại với chúng ta.

Sức mạnh lớn nhất của người Việt là sức mạnh đoàn kết, điều này đã được chứng minh, đúc kết qua lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc và cũng đã được chứng minh qua cách chúng ta vượt qua 3 đợt dịch Covid-19 trước đó. Khi mà số người mắc Covid-19 vẫn chưa có hồi kết, trách nhiệm của mỗi công dân là hãy sống với những suy nghĩ tích cực để đẩy lùi dịch bệnh.

Dù làm gì thì đừng quên những lời khuyên của ngành Y tế và cập nhật thông tin từ các nguồn tin chính thống, luôn ý thức để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Hơn bao giờ hết, lúc này, mỗi người dân cần có sự đồng thuận, lan tỏa những điều tốt đẹp, lòng nhân ái, sự sẻ chia; nâng cao ý thức trách nhiệm công dân của mỗi người và tin tưởng vào chiến lược chống dịch của đất nước cũng như tỉnh nhà.

HỮU NGHỊ


 

.
.
.