Thứ Tư, 11/08/2021, 21:00 (GMT+7)
.

Tiêm vắc xin để an tâm hơn với Covid-19

(ABO) Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng. Đến nay, tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 11.341.864 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 10.305.762 liều và tiêm mũi 2 là 1.036.102 liều.

Có thể thấy, chiến dịch tiêm phòng Covid-19 đang diễn ra trên diện rộng, đặc biệt tại khu vực phía Nam, trong đó có tỉnh Tiền Giang - nơi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 9-8, Tiền Giang được quyết định phân bổ tổng cộng 268.770 liều vắc xin Covid-19 từ Bộ Y tế, tỉnh đã nhận 247.910 liều (đạt 92% tổng số liều được quyết định phân bổ) gồm các loại vắc xin Astrazeneca, Pfizer, Moderna và Sinopharm.

Người dân xếp hàng trật tự chờ đến lượt tiêm.
Người dân xếp hàng chờ đến lượt tiêm ngừa vắc xin Covid-19 tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Thành

Thực hiện Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 diện rộng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, sáng 11-8, TP. Mỹ Tho đồng loạt triển khai 8 điểm tiêm với 48 đội tiêm và đã có khoảng 10.000 người dân thành phố đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Dự kiến sẽ có 92.000 người dân TP. Mỹ Tho sẽ được tiêm vắc xin trong thời gian từ ngày 11 đến 15-8.

Sau TP. Mỹ Tho, Tiền Giang sẽ phân bổ số vắc xin được cấp và tiêm cho địa bàn trọng điểm theo hình thức cuốn chiếu với thứ tự ưu tiên là vùng nguy cơ rất cao, vùng nguy cơ cao, vùng nguy cơ, cụ thể là TX. Gò Công, huyện Châu Thành, huyện Tân Phước, TX. Cai Lậy và lần lượt các huyện Gò Công Đông, Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Cai Lậy và Tân Phú Đông.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, hiện tỉnh không còn tồn đọng vắc xin Covid-19 đã được cấp và đang thiết tha mong sớm nhận thêm vắc xin trong kế hoạch phân bổ của Bộ Y tế để nhanh chóng tiêm cho nhân dân.

Không chỉ có người dân Tiền Giang mà hiện nay, người dân trên cả nước, nhất là vùng có dịch bệnh diễn biến phức tạp đang được đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19. Tuy nhiên vì số lượng vắc xin hiện tại chưa thể đủ cung cấp cho tất cả mọi người nên Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã có sự phân bổ hợp lý, khoa học cho các địa phương cũng như đối tượng cần tiêm, được tiêm.

Việc ưu tiên vắc xin cho người dân ở vùng tâm dịch của Chính phủ cũng được người dân và chính quyền các địa phương hết sức đồng tình, ủng hộ. Không chỉ ưu tiên dành vắc xin cho các điểm nóng về dịch bệnh, nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cũng như người dân trên cả nước còn chung sức, đồng lòng, tích cực đóng góp nhân lực, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm…, nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với những nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại điểm Trường THCS Lê Ngọc Hân.
Người dân TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Minh Thành

Hiện có nhiều loại vắc xin khác nhau của các nước Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Đức, Nga… với các thương hiệu như BIBP, BioNTech, Pfizer, Johnson&Johnson, Moderna, Oxford, AstraZeneca, Sputnik-V, Sinopharm... đã được Tổ chức WHO kiểm định và cấp phép. Trong đó, qua nhiều kênh khác nhau không ít loại vắc xin nói trên đã về Việt Nam. Khẳng định của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, tất cả các loại vắc xin Covid-19 được Việt Nam lựa chọn sử dụng đều được tổ chức này phê duyệt, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Mặc dù ở đâu đó có tâm lý lo ngại về độ an toàn của vắc xin, nhưng về tổng thể, đa số người dân đều có tâm lý chung được tiêm vắc xin là vui mừng và an tâm hơn với Covid-19. Vì mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, trong bối cảnh ca nhiễm gia tăng, người dân đang mong muốn Nhà nước thúc đẩy quá trình tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Tiêm vắc xin được xem là một giải pháp tốt trong các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cho đến thời điểm này, việc tiêm vắc xin vẫn được Tổ chức WHO cho là giải pháp hiệu quả nhất để bảo đảm đẩy lùi dịch bệnh. Để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, việc tiêm vắc xin vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân.

Do đó, người được ưu tiên tiêm phòng Covid-19 cần hợp tác, nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn, phân bổ của cơ quan chức năng. Chần chừ, so đo, kén chọn vắc xin Covid-19 không những dẫn đến nguy cơ bỏ qua cơ hội bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình mà còn khiến dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát.

Chính phủ Việt Nam luôn giữ quan điểm nhất quán trong việc tạo điều kiện bình đẳng cho mọi người dân tiếp cận vắc xin. Nguồn vắc xin chúng ta có được là kết quả từ nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như nhiều tổ chức, cá nhân khác trong xã hội.

Dù là vắc xin loại nào, do đâu sản xuất khi nhập về Việt Nam đều được thẩm định kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm phục vụ kịp thời cho mục tiêu tiêm chủng trên toàn quốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc triển khai tiêm vắc xin đến từng cá nhân là phụ thuộc vào lô vắc xin nhập về ở thời điểm tiêm, không có sự phân biệt đối xử.

Với chiến lược vắc xin đúng đắn, kịp thời, triển khai theo cả chiều sâu và chiều rộng, Việt Nam đã tiếp nhận nguồn cung vắc xin tương đối dồi dào, giúp thực hiện mục tiêu hết quý I-2022 sẽ có 70% dân số được tiêm phòng Covid-19, tương đương 150 triệu liều vắc xin.

Những ngày này, việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 đang được tăng tốc tại nhiều địa phương trên cả nước. Đây là cuộc đua khó khăn để chống lại dịch bệnh nguy hiểm và luôn cần sự ủng hộ, đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc. Vì như đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đến thời điểm này, chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình và nhất định chúng ta sẽ tiếp tục kiểm soát được tình hình nếu cả nước thực hiện nghiêm túc các giải pháp mà Trung ương đã yêu cầu, trong đó có việc thực hiện chính sách vắc xin. Sự chậm trễ vì bất cứ lý do nào đều có thể gây ra những hậu quả khó lường, thậm chí chúng ta không có cơ hội để hối tiếc.

HỮU NGHỊ


 

.
.
.