Thứ Hai, 20/09/2021, 18:46 (GMT+7)
.

Covid không có hộ khẩu

(ABO) Nhiều tỉnh, thành trọng điểm phía Nam về dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã bắt đầu thực hiện chiến lược nới lỏng giãn cách xã hội, gần đây nhất là các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bạc Liêu, Cà Mau...

Ngay cả TP. Hồ Chí Minh, một trong những địa phương trọng tâm của dịch Covid-19 cũng bắt đầu tính toán các phương án để chuẩn bị trở lại cuộc sống bình thường mới trong môi trường có virus. Điều này được khơi nguồn từ đòi hỏi của thực tiễn cũng như phù hợp với chiến lược, tư duy mới trong phòng, chống dịch trên phạm vi cả nước nhằm sát với tình hình thực tế và để phát huy hiệu quả một cách tốt nhất.

Bởi trải qua chuỗi ngày vật vã chống dịch trong suốt gần 5 tháng kể từ đợt dịch lần thứ 4 bùng phát vào ngày 27-4, đến nay một trong những tư duy mới trong công tác phòng, chống dịch được đưa ra bàn luận là thực hiện theo mục tiêu “khoanh nhỏ, diệt nhanh, triệt để, thả nhanh”. Điều này có thể hiểu rằng, chỉ thực hiện giãn cách xã hội ở phạm vi nhỏ nhất, đến mức ấp, tổ dân phố; giãn cách nhanh trong 14 ngày kèm theo xét nghiệm nhanh; đưa nhanh F0 ra để xanh nhanh; làm nhanh để ra nhanh; nơi xanh hỗ trợ nơi đỏ… Tất nhiên, đây là những thay đổi đáng chú ý trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho chặng đường tới.

Tiêm vắcxin là giải pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Minh Thành.
Tiêm vắcxin là giải pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Minh Thành.

Những đòi hỏi từ thực tiễn cũng có những nét tương đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Để phù hợp với tình hình thực tế và phát huy hiệu quả hơn, ngày 19-9, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu các huyện, thị, thành có nguy cơ cao đánh giá lại mức độ nguy cơ và đề xuất giải pháp cho những ngày tới, nhất là đối với 3 huyện, thị, thành có nguy cơ cao gồm huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo và TP. Mỹ Tho.

Việc đánh giá, đề xuất phải dựa trên yêu cầu khách quan, đúng thực chất, căn cứ vào khả năng quản lý, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Đây là điều cần thiết và cấp bách nhằm đảm bảo quả công tác phòng, chống dịch, bởi Tiền Giang cùng với nhiều tỉnh, thành phía Nam đã trải qua thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh.

Tư duy, chiến lược trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 có nhiều thay đổi. Những ngày bình thường mới đang được chờ đợi ở phía trước và được hiện thực hóa sớm hay muộn còn tùy thuộc nhiều yếu tố nhưng dù sao đó cũng là mục tiêu mà rất nhiều người đang mong mỏi và hướng đến.

Những ngày này, kịch bản cho những ngày bình thường mới đã được nhiều tỉnh, thành tính đến. Dù sớm hay muộn, kịch bản này cũng sẽ được triển khai, vì sức chịu đựng của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng cũng sẽ có giới hạn. Nhưng kịch bản nào hữu hiệu thật sự đang là bài toán khó.

Dưới góc nhìn của một nhà khoa học trong ngành Y, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, hiện là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, Covid không có hộ khẩu nên nó chẳng biết ranh giới giữa các phường, quận, các tỉnh, thành mà tránh ra. Hai vùng tiếp giáp với nhau mà chính quyền địa phương vẫn còn chọn cách tiếp cận khác nhau chính là mồi ngon cho virus nhân rộng.

Bình thường mới có nghĩa là không bao giờ trở lại như cũ, nhưng ta đều sẽ được trở lại sinh hoạt, học hành và làm việc với điều kiện nghiêm túc thực hiện 5K. Với các biến thể khác nhau, tốc độ lây lan cũng như mức nhiễm cộng đồng hiện nay, việc chấp nhận virus như một phần của cuộc sống đã hiện hữu. Chỉ có ổn định ba tầng điều trị, tăng cường “phủ” vắc xin, chúng ta mới có thể mở giãn cách dần dần. Và vì vậy, chiến lược điều trị Covid của Việt Nam cũng cần bài bản lại.

Chúng tôi cũng tin rằng, những ngày bình thường mới cho chặng đường tiếp theo sẽ không bao giờ trở lại như cũ và sống chung với môi trường có virus cũng là điều mà nhiều người đang nghĩ đến. Và chúng tôi cũng tin rằng, Covid cũng không có hộ khẩu nên khả năng kiểm soát tuyệt đối là khó có thể xảy ra nếu mỗi người không tuân thủ đúng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

T.T

.
.
.