Thứ Sáu, 26/11/2021, 16:26 (GMT+7)
.

"Chạy đua" với SARS-CoV-2

(ABO) Sức tàn phá của SARS-CoV-2 thật sự khủng khiếp và chưa có hồi kết. Nó đã tác động rất lớn đến đời sống xã hội và cuốn đi bao sinh mạng con người. SARS-CoV-2 cứ quét qua quét lại đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Con số thống kê của Bộ Y tế cho thấy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.168.228 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 11.855 ca nhiễm). Đặc biệt, sau thời gian tạm lắng, số ca Covid-19 mới trung bình/ngày tuần qua là 10.666 ca/ngày, tuần liền kề là 9.218 ca/ngày. Số ca tử vong cũng tăng theo, 133 ca/ngày so với 93 ca/ngày của tuần trước.

Nguồn: Tuổi trẻ.
Nguồn: Tuổi trẻ.

Bộ Y tế cũng đánh giá, các tỉnh miền Tây đang là điểm nóng mới khi có số mắc rất cao. Trước đây các tỉnh thành Đông Nam bộ luôn ở vị trí 1, 2, 3 về số ca mắc hằng ngày, nhưng tuần gần đây Cần Thơ và các tỉnh thành khác như Bạc Liêu, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang... liên tục có số mắc và số ca tử vong hằng ngày khá cao.

Bên cạnh các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện, “chạy đua” tiêm vắc xin đã được gấp rút triển khai trên phạm vi toàn quốc nhằm hướng đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là chiến dịch tiêm phòng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Để có được lượng vắc xin lớn là cả một chặng đường dài và với không biết biết bao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kể cả ngoại giao vắc xin. Kết quả là đến nay lượng vắc xin đã được tiêm gần như phủ khắp những người lớn tuổi và tiến dần đến đối tượng trẻ em.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đến hết tháng 11, Việt Nam cơ bản đạt tiêu chí hơn 75% người trên 18 tuổi đã tiêm 2 mũi vắc-xin. Sau bao nỗ lực, lá chắn vắc xin cơ bản đã được bao phủ. Tuy nhiên, diễn biến thực tế những ngày gần đây, nhất là ở các tỉnh, thành phía Nam cho thấy, cuộc đua với SARS-CoV-2 còn một chặng đường dài ở phía trước. Thực tế này đã và đang đặt ra không ít thách thức trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và mở cửa khôi phục nền kinh tế.

Tỷ lệ tiêm vắc xin cao cũng góp phần hạn chế tác động của SAR-CoV-2. Ảnh: Minh Thành.
Tỷ lệ tiêm vắc xin cao cũng góp phần hạn chế tác động của SAR-CoV-2. Ảnh: Minh Thành.

Cuộc đua với SARS-CoV-2 hiện chưa có hồi kết thì những ngày gần đây thông tin về biến thể mới lại xuất hiện, được dự báo với sức tàn phá cũng không nhỏ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt vào ngày 26-11 để thảo luận những vấn đề liên quan đến một biến thể mới có nhiều đột biến, được đặt tên là B.1.1.529.

Biến thể B.1.1.529 được các nhà khoa học trên toàn thế giới cảnh báo vì số lượng đột biến cao, giúp virus SARS-CoV-2 kháng thuốc hơn, tăng khả năng lây nhiễm và dẫn đến các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn. Lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi vào đầu tuần này, biến thể B.1.1.529 đã lây lan sang các nước láng giềng, bao gồm cả Botswana, nơi virus được phát hiện ở những người tiêm chủng đầy đủ. Tác động chính thức của B.1.1.529 đến mức nào sẽ được các nhà khoa học đầu ngành lý giải trong thời gian sớm nhất.

Vậy là, cuộc “chạy đua” với SAR-CoV-2 cùng với các biến thể mới vẫn sẽ tiếp tục bắt đầu, mặc cho nó đã càn quét thế giới gần 2 năm qua.

TA

.
.
.