.

Buôn bán tiểu ngạch nông sản: Nguy cơ và giải pháp

Cập nhật: 11:03, 07/01/2022 (GMT+7)

(ABO) Thật đau lòng khi nghe tin hàng ngàn xe container ùn ứ tại các cửa khẩu sang Trung Quốc hay tệ hơn hàng trăm xe phải quay đầu về, bán đổ bán tháo nông sản. Điệp khúc năm nào cũng tái diễn: Lúc được giá, nông dân, thương nhân cười nói rộn ràng, lúc rớt giá do không thông quan được thì chạy đôn, chạy đáo nhờ sự chung tay giải cứu của cộng đồng. Nguy cơ này ai cũng biết: Đầu vụ hỏi bất kỳ ai liên quan đến trái cây nào đó “giá cả sẽ ra sao”, nếu không nhận cái lắc đầu thì cũng là câu trả lời “hên, xui thôi”.

Theo số liệu thống kê của các cơ quan Chính phủ: Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 48,9 tỷ USD trên tổng kim ngạch xuất khẩu 281,5 tỷ USD, tức là chiếm 17,37% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc so với các nước ASEAN.

Với dân số trên 1,4 tỷ người, đây là thị trường mà tất cả các quốc gia, các doanh nghiệp, các thương nhân đều muốn có cơ hội thâm nhập; trong đó, Việt Nam có lợi thế lớn về địa lý, văn hóa... Vấn đề của chúng ta là làm sao hạn chế những tác động tiêu cực từ thị trường này như đã xảy ra nhiều năm qua.

Thật ra lời giải cũng đã có. Đó là đa dạng thị trường, tăng cường xuất khẩu chính ngạch. Chúng ta đã cố gắng đưa nông sản sang các thị trường châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… và sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

Mặt khác, định hướng tăng cường giao thương chính ngạch với các đối tác phía Trung Quốc cũng là mục tiêu mà Nhà nước hai bên kỳ vọng, để kiểm soát được chất lượng hàng hóa, hạn chế các vấn đề vi phạm pháp luật từ hai phía. Nhưng dù muốn hay không, hình thức buôn bán tiểu ngạch vẫn luôn tồn tại do tính chất mềm dẻo của nó. Vì thế, cần có biện pháp hạn chế rủi ro, nếu có thiệt hại, phải chia đều cho hai bên. Muốn vậy, chúng ta cần liên kết nông dân, thương nhân với các nhà khoa học, trên cơ sở chỉ đạo của Nhà nước.

Sự liên kết này rất cần thiết để giải quyết các vấn đề cốt lõi như: Kéo dài thời gian bảo quản nông sản, nắm vững và dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng, để điều tiết sản lượng mà định giá. Cần thành lập các hiệp hội theo từng sản phẩm. Trên cơ sở đó xây dựng hợp đồng mẫu và khung giá sản phẩm theo từng thời kỳ, lúc thuận lợi nông dân, thương nhân trích từ lợi nhuận đóng góp cho hiệp hội, để lúc “trái gió trở trời” hiệp hội có biện pháp hỗ trợ thích đáng. Và quan trọng là cùng với đối tác phía bên kia định ra luật chơi sòng phẳng, không để bị chèn ép.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách…, vấn đề còn lại là triển khai đưa vào thực thi có hiệu quả, để không còn thấy nông sản đổ dài dài, bán như cho dọc theo các quốc lộ, tỉnh lộ như hiện nay.

NGUYỄN HUỲNH ĐẠT
 

 

.
.
.