Chuyện cũ nỗi đau luôn mới
Dù đã có nhiều bài học, nhiều cái chết thương tâm của trẻ vì bạo hành gia đình nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh báo, răn đe. Dư luận chưa hết bức xúc vụ việc này thì vụ việc khác lại ập tới khiến mỗi người không khỏi xót xa. Bạo hành gia đình trở thành chuyện cũ nhưng nỗi đau luôn mới, luôn xót xa như lần đầu.
Các vụ bạo hành trẻ em diễn ra dồn dập chỉ trong thời gian ngắn. (Ảnh minh họa: Soha.vn ) |
Những ngày đầu năm này, thông tin về bé gái 3 tuổi tên Đ.N.A nghi bị bạo hành với 9 vật thể giống đinh trong hộp sọ thu hút sự quan tâm đặc biệt. Hiện tại, cháu đang nguy kịch và được các bác sĩ tại Bệnh viện Xanh Pôn tích cực điều trị. Đáng nói, chỉ trong vòng 3 tháng ngắn ngủi ở với mẹ, bé đã nhiều lần nguy hiểm đến tính mạng như từng hôn mê vì ngộ độc thuốc trừ sâu, được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương; nhập viện ở Thạch Thất vì có đinh trong đường tiêu hóa và gần đây nhất là gãy tay…
Sự việc của cháu Đ.N.A xảy ra trong khi câu chuyện buồn của bé gái 8 tuổi tại TP Hồ Chí Minh bị tử vong do vợ chưa cưới của bố đánh đập, bạo hành chưa kịp lắng xuống. Dù người phụ nữ gây ra cái chết cho bé gái và người liên quan là bố cháu đã bị bắt, bị khởi tố nhưng vẫn còn đó những dư âm của sự bàng hoàng và đau xót.
Chưa hết, trước đó, một bé gái chỉ có 3 tuổi ở huyện An Minh, tỉnh An Giang bị cha dượng bạo hành một cách rất tàn nhẫn như châm điếu thuốc đang cháy vào miệng, dùng kìm nhổ răng của bé, dốc đầu bé mà đánh vì lý do bé hay tè dầm… dẫn tới bé tử vong.
Có thể nói tội ác, nỗi đau và tổn hại gây ra cho trẻ em (đối tượng yếu thế của xã hội) luôn là nỗi đau gây phẫn nộ nhất, tội ác đáng bị trừng phạt nhất và khó tha thứ nhất. Điều đau lòng nhất trong những vụ án nêu trên là người gây hại cho trẻ đều là người trong gia đình, người thân quen của trẻ, gây bức xúc dư luận xã hội, thậm chí tạo làn sóng phẫn nộ trong dư luận tăng cao. Và chắc chắn sau sự bức xúc ấy sẽ có những bản án nghiêm khắc được tuyên cho những kẻ thủ ác.
Nhưng điều đáng nói là mặc dù ở nước ta Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7-2008 nhưng hiện tượng bạo lực vẫn chưa thuyên giảm. Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. Trong số 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân.
Còn theo thống kê từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài đã tiếp nhận 171.019 cuộc gọi đến, trong đó có 706 ca phải hỗ trợ, can thiệp, tăng 299 ca so với cùng kỳ năm trước. Trong các ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em, có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51,27%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 167 ca, tương đương 3,36%; 122 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 17,28%, tăng hơn cùng kỳ năm trước 13 ca.
Trong khi đó số liệu khảo sát điều tra xã hội học cho biết: Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%; gây tổn hại về sức khỏe, thể chất chiếm 87,5%; gây tổn thương về tâm lý, tinh thần là 89,4%, gây tan vỡ gia đình 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội là 89%.
Nhắc lại những câu chuyện khiến chúng ta đau lòng không phải để khoét sâu vào nỗi đau của gia đình mất người thân mà để nói lên hiện thực về quan niệm dạy dỗ và giáo dục trẻ.
“Yêu cho roi cho vọt” là cách mà nhiều ông bố, bà mẹ giải thích cho hành động đòn roi trong cách dạy dỗ con cái của mình. Thế nhưng, đáng tiếc rằng: "Đòn roi không giúp trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng". Bạo hành không phải và không bao giờ là cách giáo dục hiệu quả đối với trẻ em. Các em chỉ có thể trưởng thành trên cơ sở tình yêu thương và sự đồng hành, chia sẻ của cha mẹ, người thân.
Nhưng hiện nay có không ít bậc phụ huynh lạm dụng đòn roi để trút giận lên con cái, thậm chí đánh đập con cái tàn nhẫn dẫn tới những hậu quả đau lòng.
Mặt khác, dù đánh trẻ là hành động trái pháp luật nhưng nhiều người lại dửng dưng vì cho rằng đó là việc riêng của gia đình. Chính việc không can thiệp ngay từ đầu, rồi "trong nhà đóng cửa bảo nhau" đã khiến nhiều sự việc trở nên nghiêm trọng, ngoài tầm kiểm soát.
Nhìn những sự việc và những con số đau lòng nêu trên, nhiều ý kiến bày tỏ, chúng ta cần phải tăng cường kiến thức, kỹ năng về làm cha mẹ, đặc biệt là các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phương pháp kỷ luật tích cực, kỷ luật không có bạo lực thay thế cho các hình phạt giáo dục bằng bạo lực...
Đồng thời cần phải tăng cường giáo dục pháp luật để làm sao cho tất cả mọi người dân, tất cả các bậc cha mẹ, các thành viên trong gia đình khi có hành vi nóng giận hoặc trút giận, chà đạp trẻ em thì phải hiểu rằng, pháp luật luôn luôn nghiêm trị và có thể phải chịu án nặng nhất của pháp luật khi gây tổn hại cho trẻ em.
Và đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước phải hành động mạnh mẽ hơn để có chính sách cụ thể trong việc bảo vệ quyền lợi trẻ em, trong đó quy định trách nhiệm của từng bên liên quan như cảnh sát khu vực, tổ dân phố, các hội đoàn, trường học, cơ sở y tế…. Đặc biệt là chính sách đảm bảo được thực thi một cách mạnh mẽ, lan tỏa, tạo hiệu ứng sâu rộng trong xã hội.
Nhưng như vậy đã đủ để giải quyết tận gốc vấn đề hay chưa để ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành trẻ em? Chắc chắn là chưa vì cho dù là chính sách từ phía các cơ quan chức năng là rất quan trọng nhưng quan trọng hơn chính là hành động từ mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Để những câu chuyện đau lòng về bạo hành trẻ em không còn xuất hiện trên những mặt báo, trong cuộc sống hằng ngày thì ngay từ bây giờ, mỗi người trong chúng ta cần phải hành động để bảo vệ trẻ em để mỗi đứa trẻ lớn lên với một tâm hồn trong sáng, vẹn nguyên, chứ không phải với những vết sẹo, nỗi ám ảnh vì bạo lực thời ấu thơ…/.
(Theo dangcongsan.vn)