Về quê ăn tết, làm sao an toàn?
(ABO) Không đầy một tháng nữa đến tết. Mọi người đều muốn được sum họp gia đình. Tuy nhiên, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, không ít gia đình tự hỏi liệu có nên về quê ăn tết? Làm sao để cuộc sum họp gia đình được an toàn?
Về mặt xã hội, sự sum họp là nhu cầu cần thiết cho mọi gia đình, nhất là truyền thống đoàn viên ngày tết của người Việt. Dù ở đâu, làm gì, bất cứ ai cũng phải trở về với gia đình ngày đầu năm mới. Có người làm việc vất vả cả năm, chỉ mong được hưởng một cái tết sum vầy. 2 năm nay, dịch bệnh đã làm thay đổi mọi sinh hoạt bình thường của con người, trong đó thay đổi luôn tập quán ăn tết.
Trước dịch, ngày tết là để gặp lại nhau, vui chơi, thư giãn. Trong ngày tết một tập quán không thể thiếu là đi thăm viếng lẫn nhau...
Bây giờ khác rồi, quy tắc 5K đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống “bình thường mới”. Quy tắc này lại được xem như “lá chắn” bảo vệ chúng ta trong mùa dịch. Nhưng áp dụng trong ngày tết có được không? Mọi người cần làm gì để hưởng một cái tết vừa vui, vừa an toàn?
Khi nói đến cách hòa nhập xã hội một cách an toàn, chúng ta chỉ cần nhớ và thực hiện 4 điều sau đây: Thời gian, không gian, con người, địa điểm.
“Thời gian” liên quan đến khoảng thời gian chúng ta sẽ dành cho ai đó. Chúng ta biết rằng, thời gian tiếp xúc càng ngắn càng ít rủi ro lây bệnh hơn. Đối với thời gian tiếp xúc, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nếu chỉ chào nhau, dù người đó là F0 chưa phát hiện, cả hai đều mang khẩu trang thì khả năng lây rất thấp, gần như không có. Nếu mình dừng lại nhưng không nói chuyện, giữ khoảng cách trên 2 m trong thời gian dưới 45 phút thì lây nhiễm rất thấp hoặc không lây. Nếu có nói chuyện với nhau trong thời gian dưới 4 phút, thì lây nhiễm cũng rất thấp, nói chuyện trên 4 phút thì lây nhiễm cao.
"Không gian" là chúng ta đề cập đến việc duy trì khoảng cách 2 m. Khi đối diện với ai, nhất là những người lạ, không cùng gia đình, chúng ta nhớ câu “Anh ở đầu sông em cuối sông” tối thiểu 2 m. Khi ngồi cùng bàn cũng không nên ngồi gần nhau quá, không uống chung một ly rượu “tình thương mến thương” như ngày xưa nữa.
“Con người” có nghĩa là bạn nên biết ít nhiều về người mình định gặp. Câu chào đầu tiên bây giờ là: “Anh/chị đã chích mấy mũi thuốc ngừa Covid-19 rồi?”. Nếu câu trả lời là tôi được 2 mũi, 3 mũi rồi thì an tâm phần nào. Chúng ta cũng nên quan tâm đến một số sinh hoạt của người mình định gặp, như người đó có thường xuyên tiếp xúc với người khác không? Nếu có thì chúng ta phải cẩn thận một chút. Nhà người đó có ai đang bệnh hoặc cách ly y tế không? Nếu có thì tìm hiểu họ đã hết thời gian cách ly chưa? Hiện tại Bộ Y tế quy định mới là 7 ngày đối với F0. F0 khỏi bệnh là an toàn, không lây nhiễm cho người khác ít nhất từ 6 đến 8 tháng, vì vậy chúng ta không nên có thái độ kỳ thị xa lánh người F0 đã khỏi.
“Địa điểm” tức là chúng ta tổ chức gặp mặt ở đâu. An toàn nhất là ở ngoài trời sẽ tốt hơn ở trong nhà. Nhà mở cửa thông thoáng tốt hơn nhà đóng kín, có gắn máy lạnh. Chúng ta có thể dự tiệc ngoài trời, ăn tối trên sân thượng nhà hàng, hoặc làm bất cứ điều gì bên ngoài hoặc trong khu vực thông thoáng, đó là những tương tác có nguy cơ lây nhiễm thấp nhất.
Nếu trong gia đình có người già trên 65 tuổi, hoặc người trẻ có bệnh nền, hay trẻ em còn nhỏ, tốt hơn hết là mình tự thử test nhanh Covid-19 trước khi về quê ăn tết. Xuất hiện một vạch trên khai thử nghiệm là an tâm, nếu có 2 vạch, dù mờ mờ cũng phải báo y tế địa phương để có hướng xử lý tiếp theo.
Tôi nghĩ đó là những cách hợp lý để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm dịch bệnh mà vẫn hưởng một cái tết sum họp đầm ấm bên những người thân yêu của mình.
BS. NGUYỄN THÀNH ÚC