Thứ Hai, 21/02/2022, 21:23 (GMT+7)
.

Bớt chút ồn ào trong tiệc cưới, được không?

(ABO) Ấy vậy mà tụi tôi cưới nhau đã 30 năm rồi. Thời gian đi quá mau, nhớ khi xưa, đám cưới mộc mạc mà vui. Trước ngày đám cưới, bạn bè, thân quyến, hàng xóm đến giúp dựng rạp, làm cổng cưới, mượn bàn, mượn ghế… Còn giúp nấu ăn, thì bên vợ tôi là một người bà con, còn bên tôi là người gần nhà chuyên nấu tiệc cưới; cùng các bà, cô, dì, chị em gái xúm xít lặt rửa rau, phụ bày biện... không khí thật đầm ấm, vui vẻ. Chuyện đám cưới ngày xưa đó còn nằm trong ký ức nhiều người và cả trong những tác phẩm văn học, không cần phải kể thêm.

Bây giờ đám cưới tinh gọn hơn nhiều. Tiệc cưới thường diễn ra ở nhà hàng, với trình tự na ná như nhau. Trước tiên là ca múa, sau đó MC xuất hiện nói vài ba câu rồi mời cô dâu, chú rể và cha mẹ hai bên lên sân khấu. Sau lời phát biểu của cha mẹ chú rể hoặc cô dâu (tùy theo tiệc phía đàng trai hay đàng gái), đến màn rót rượu và cắt bánh cưới. MC kết thúc nhiệm vụ bằng lời hô “một, hai, ba - vô”, tiếp đến là các tiết mục văn nghệ. Càng về cuối tiệc, sân khấu dần dần được dành cho những thực khách muốn lên hát ca góp vui.

Chẳng có gì phiền nếu âm thanh qua giàn loa trong phòng tiệc không quá lớn và những ca sĩ được chọn lọc tương đối. Tuy nhiên hiện nay, trong không ít tiệc cưới khi “ca sĩ” có chút hơi men và tiệc cưới giống như các “độ nhậu” có thuê giàn karaoke thịnh hành. Trong khi tại các bàn tiệc, nếu ai có điều gì muốn nói, thì phải la to hoặc kề miệng sát vào tai nhau.

Ồn ào rồi trở thành bát nháo đang là thực trạng của không ít đám cưới ngày nay. Trong khi nhiều tập quán mới như làm album ảnh cưới rất nghệ thuật; ca múa biểu diễn trong lúc khách chờ đợi mở màn nghi lễ có chút thu hút… thì tiết mục “hát với nhau” lại gây ồn ào, vang dội khắp xóm hay inh ỏi trong phòng tiệc. Nó làm mất đi cái hồn cốt của một tiệc chung vui thật sự.

Tiệc cưới vốn là nơi để những người thân quen của cô dâu, chú rể và gia đình đến chúc mừng, đồng thời để biết rõ hơn về một cặp đôi mới. Và là nơi mà bà con, hàng xóm, bạn bè (có người nhiều năm không gặp nhau) có dịp gặp nhau hàn huyên trong không khí vui vẻ, hạnh phúc của hai gia đình đàng gái, đàng trai. Nhưng vì âm thanh tại tiệc cưới quá lớn không nói được với nhau điều gì đáng kể.

Người tham dự đám cưới ngày nay buộc lòng phải tham gia vào đám ồn ào đó (bởi thực tế có nhiều người tập hát karaoke quanh năm chỉ để lên hát trong đám cưới). Hoặc, đa số khách mời đến dự tiệc cưới sẽ lặng lẽ cầm đũa, nâng ly, chờ đến khi cô dâu, chú rể đến chụp hình kỷ niệm, rồi lẳng lặng ra về.

Đám cưới hay gọi một cách văn hoa là hôn lễ, nó thể hiện nét văn hóa của dân tộc. Và để giữ văn hóa Việt Nam luôn tốt đẹp, có thể nào bớt chút ồn ào trong tiệc cưới được không?

NGUYỄN HUỲNH ĐẠT

 

.
.
.