Chủ Nhật, 20/03/2022, 11:26 (GMT+7)
.

Hạnh phúc không thể tách rời yêu thương và chia sẻ

(ABO) Hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn trong cuộc sống, đó là nhu cầu chính đáng. Hạnh phúc cũng không phải là điều gì quá xa vời, mà đôi khi chỉ đơn giản là mang hạnh phúc đến cho người khác từ sự yêu thương và chia sẻ của mình. Tuy nhiên trong cuộc sống, không phải ai cũng tìm thấy hạnh phúc.

a
Hạnh phúc không thể tách rời yêu thương và chia sẻ, mà gia đình là nòng cốt để tình yêu thương, sự chia sẻ được thăng hoa. Ảnh: LẬP ĐỨC

Đến nay chưa có định nghĩa nào về hạnh phúc được cả xã hội đồng thuận. Bởi vì mỗi người có một quan niệm riêng về hạnh phúc, không ai giống ai. Và chính vì sự khác nhau trong quan niệm về hạnh phúc mà có người cảm thấy hạnh phúc viên mãn, nhưng cũng có người cảm thấy mình bất hạnh, kém may mắn vì không đạt được mục đích nào đó trong cuộc sống.

Tuy mỗi người có quan niệm về hạnh phúc khác nhau, nhưng tựu trung hạnh phúc vẫn không thể tách rời yêu thương và chia sẻ, mà gia đình là nòng cốt để tình yêu thương, sự chia sẻ được thăng hoa. Trong cuộc sống, ngay cả trong gia đình và ngoài xã hội, yêu thương không thể tự đến, sống không biết chia sẻ thì cũng đừng đòi hỏi người khác sẻ chia với mình. Cho nên yêu thương có cho đi mới được nhận lại, có chia sẻ mới nhận lại sẻ chia. Và khi cuộc sống có yêu thương, có chia sẻ thì sẽ có hạnh phúc, đó là điều hiển nhiên.

Nhìn dưới góc độ gia đình, sống biết yêu thương và chia sẻ cùng nhau rất quan trọng, đó là giềng mối của hạnh phúc. Để giữ gìn và vun đắp hạnh phúc gia đình, sự yêu thương và chia sẻ trong gia đình phải được các thành viên quan tâm, nuôi dưỡng, vun bồi mỗi ngày. Trong mối quan hệ vợ chồng, sự yêu thương và chia sẻ càng không thể thiếu, nó không chỉ thể hiện tình yêu thương dành cho người bạn đời, mà còn thể hiện trách nhiệm của người chồng, người vợ đối với tổ ấm của mình.

Chính vì vậy, Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3) năm nay có chủ đề: “Yêu thương và chia sẻ”, mục đích là để tôn vinh những giá trị nhân văn truyền thống của gia đình Việt Nam; triển khai các hành động cụ thể, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc; chia sẻ, giúp đỡ nhau trong thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa của gia đình Việt Nam, hướng tới vì hạnh phúc và thịnh vượng chung của toàn xã hội; xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Xét về mặt xã hội, sự yêu thương, chia sẻ với đồng nghiệp, với những người xung quanh, những người kém may mắn… sẽ nhận lại nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống mà đôi khi chúng ta không thể ngờ tới. Dân tộc ta có truyền thống “nhường cơm sẻ áo”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… Sống lạc lõng, chỉ biết mình, không biết yêu thương, chia sẻ với đồng nghiệp, những người xung quanh liệu có hạnh phúc không!?

Trong cuộc sống có ai đó để mình quan tâm, yêu thương, chia sẻ với họ, dù có vất vả nhưng chắc chắn sẽ hạnh phúc. Bởi nếu cuộc sống không có ai để thương yêu, chăm sóc, để mình lo lắng, nghĩ về họ, đó mới là bi kịch. Karl Marx cho rằng: Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất. Vì vậy, hãy mở lòng ra để yêu thương nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, hạnh phúc từ đó sẽ đến…

MINH TRỌNG

 

.
.
.