Thứ Hai, 11/04/2022, 19:56 (GMT+7)
.

"Chạy đà" trước thi

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hòa Bình vừa công bố kế hoạch tổ chức hai đợt thi thử kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm học 2021-2022.

Đây là bước “chạy đà” cần thiết để nhà trường và học sinh rút kinh nghiệm, bổ sung kiến thức còn thiếu trước khi bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời mình. Tuy nhiên, nếu kỳ thi này không được tổ chức cẩn trọng sẽ lợi bất cập hại.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021. Ảnh: TTXVN.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021. Ảnh: TTXVN.

Giống như Hòa Bình, việc tổ chức thi thử hay khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 ở nhiều địa phương được sở GD&ĐT đứng ra tổ chức, ra đề chung, thi chung ngày cho tất cả các trường THPT. Bên cạnh những cuộc thi quy mô như vậy, nhiều trường THPT trên cả nước cũng tự tổ chức thi thử ở cấp trường. Những kỳ thi được lên kế hoạch bài bản để giúp cả cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh được trải nghiệm như thi thật.

Với những học sinh cuối cấp, việc tham gia thi thử chẳng khác nào các cầu thủ phải tập luyện, cọ xát trước các trận đấu quan trọng. Thi thử giúp các em biết năng lực mình đang ở đâu, rèn luyện tâm lý thi cử vững vàng, rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc bố trí thời gian làm bài. Đây cũng là cách để nhà trường kiểm soát chất lượng, đánh giá đúng trình độ của người học, từ đó điều chỉnh việc dạy học, ôn tập cho giáo viên và học sinh. Qua thi thử, các nhà trường cũng rút ra kinh nghiệm để điều chỉnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức coi thi, đề xuất các giải pháp, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện với cấp trên.

Tuy nhiên, thực tế không phải trường nào, địa phương nào cũng đủ khả năng ra đề thi đáp ứng đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT về phân bố nội dung thi, kỹ năng cần đạt, số lượng câu hỏi tương ứng mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao), để có những đánh giá đúng. Không chỉ ra đề, tổ chức thi thử cũng phải được triển khai nghiêm túc, cẩn thận ở tất cả các khâu, từ chuẩn bị cho đến coi thi, chấm thi, đánh giá kết quả... Việc thi thử có thể sẽ để lại hệ quả tâm lý khiến những học sinh làm bài tốt sinh tâm lý chủ quan, làm bài yếu dẫn đến hoang mang, mất tự tin. Về phía giáo viên, những kết quả chưa chính xác có thể ảnh hưởng đến việc điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp.

Hiện nay, bên cạnh thi thử truyền thống, một số đơn vị cũng quảng bá việc tổ chức khảo sát chất lượng học sinh theo hình thức online. Nhiều trang trực tuyến, trung tâm luyện thi cũng đưa ra các bài thi để học sinh thử sức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT với chiêu quảng cáo “đồn thổi” đề thi giống 90% đề thi thật... Với những bài thi này, có thể học sinh tham gia để củng cố kiến thức, kỹ năng làm bài, nhưng cũng cần hết sức chú ý bởi các đề thi chưa được kiểm chứng và giám sát về chất lượng. Mặt khác, có nơi tổ chức thi thử một cách sơ sài nhằm thu phí là chính. Kết quả, thi giả nhưng lại khiến thí sinh lo lắng thật bởi hoang mang không biết mình hổng kiến thức ở đâu, đúng sai thế nào.

Rõ ràng, việc thi thử đại học, tốt nghiệp THPT nếu được tổ chức nghiêm túc sẽ là cơ hội tốt để mỗi thí sinh chuẩn bị về mọi mặt trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Tuy nhiên, không nên tổ chức quá nhiều đợt thi thử đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo áp lực, căng thẳng cho học sinh, cũng như lạm dụng việc tổ chức thi để thu tiền từ người học. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nội dung thi tốt nghiệp THPT nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, không xuất hiện nội dung kiến thức đã tinh giản, mức độ câu hỏi nhận biết, thông hiểu chiếm đến 70-75%. Do đó, học sinh nên dành phần lớn thời gian để ôn luyện, củng cố kiến thức cơ bản là có thể yên tâm làm tốt bài thi.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.