Thứ Bảy, 16/04/2022, 16:18 (GMT+7)
.

Giận quá mất khôn...

Những ngày gần đây đã xảy ra nhiều vụ án thương tâm mà nguyên nhân bắt nguồn từ những lý do vô cùng nhỏ nhặt trong cuộc sống. Những vụ án chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho cả xã hội về cách ứng xử giữa con người với con người, để làm sao đừng xảy ra những phút “bốc đồng” thiếu kiểm soát, mà như người Việt ta hay có câu: “giận quá mất khôn”.

Người đàn ông (mặc áo đỏ sọc trắng, khoác áo mưa) tại hiện trường lúc xảy ra vụ án mạng đâm chết thanh niên dân quân tự vệ tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh ngày 4-4 vừa qua.
Người đàn ông (mặc áo đỏ sọc trắng, khoác áo mưa) tại hiện trường lúc xảy ra vụ án mạng đâm chết thanh niên dân quân tự vệ tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh ngày 4-4 vừa qua.

Trong cuộc sống thường ngày, những cảm xúc vui, buồn, hạnh phúc, sợ hãi hay giận hờn … vẫn thường xuyên xuất hiện trong mỗi con người chúng ta, từ trong môi trường gia đình, trường học, công sở hay ngoài cộng đồng. Ở mức độ vừa phải, các cảm xúc này sẽ giúp con người có sự cân bằng trong cuộc sống. Ngay cả khi bạn tức giận, đôi khi điều ấy cũng là tốt, bởi theo các chuyên gia tâm lý, khi tức giận chúng ta sẽ giải tỏa được các ức chế, đồng thời, trong cuộc sống nếu không có những thách thức, chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người lại có những cảm xúc “thái quá” dẫn tới các hành vi lệch lạc, không đúng với các chuẩn mực xã hội, những hành vi làm ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực tới người khác, ảnh hưởng tới chính tới bản thân mình, dẫn tới những hậu quả đau lòng, và có thể đưa chính chúng ta vào vòng lao lý. Minh chứng cho điều trên không khó để tìm thấy trong cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta chắc hẳn vẫn đang vô cùng bàng hoàng khi nghĩ tới vụ án vừa xảy ra ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh chiều 4-4. Chiều đó, đang làm nhiệm vụ phân luồng giao thông trước cổng trường THCS Phạm Văn Chiêu, lúc này trời mưa và học sinh tan trường nên mật độ giao thông đông. Một người đàn ông chạy xe ngược chiều đã được anh dân quân tự vệ (21 tuổi) tham gia điều tiết giao thông yêu cầu đi đúng làn đường, tránh gây kẹt xe. Người đàn ông đã không chấp hành và hai bên xảy ra mâu thuẫn. Trong lúc cự cãi, người đàn ông rút dao đâm nhiều nhát khiến anh dân quân gục ngay tại chỗ. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. Nghi phạm sau khi gây án đã bỏ lại xe máy chạy bộ tẩu thoát khỏi hiện trường. Đến rạng sáng 5-4, người này đã đến Công an quận Gò Vấp để đầu thú, thừa nhận hành vi phạm tội.

Cũng tại TP Hồ Chí Minh vào chiều 10-4, người đàn ông tên Trí chạy xe máy vào trong bến xe Ngã tư Ga (quận 12). Khi ngang qua chỗ bán nước thì thấy anh D. đang ngồi nói chuyện với một người xe ôm nên ghé vào ngồi cùng. Khi đang nói chuyện thì hai bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Trí cho rằng anh D. đã đánh mình trước nên đã nóng giận đánh trả và định lên xe máy bỏ đi khỏi quán nước. Tuy nhiên, khi quay đầu xe, Trí nghe anh D. chửi bới mình nên tức giận, dừng lại rút tua vít trong người ra đâm trúng vào đầu đối phương khiến nạn nhân gục tại chỗ. Nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Sau khi gây án, Trí bỏ trốn về nhà người thân ở tỉnh Tiền Giang ẩn náu và đã bị trinh sát Công an quận 12, TP Hồ Chí Minh bắt giữ sau đó.

Tối ngày 11-4, tại khu vực tổ dân phố Cầu Thượng, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên (Bắc Giang) xảy ra vụ án mạng. Nạn nhân là chị Dương Thị Trà My (SN 1997, trú tại tổ dân phố Cầu Thượng, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên) bị đối tượng Phạm Thị Hà (SN 1984, cùng trú tại địa chỉ trên) dùng dao chém nhiều nhát khiến chị My bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu. Sau 12 giờ đồng hồ truy tìm, trưa ngày 12-4, đơn vị chức năng Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ đối tượng tại một khu nhà hoang thuộc thị trấn Nhã Nam.

Bước đầu đấu tranh, đối tượng Hà khai nhận do mẫu thuẫn cá nhân, biết chị My mở cửa hàng quần áo nên đến xem và mua hàng nhưng chị My không bán và thể hiện “thái độ” nên đối tượng sinh lòng ghét bỏ và nung nấu ý định giết người. Trước đó khoảng 1 tuần, Hà mua 4 gói thuốc diệt chuột và chuẩn bị sẵn 1 con dao mang theo người. Đến tối 11-4, khi gặp chị My tại ngõ gần nhà, đối tượng đã dùng dao chém nhiều nhát khiến chị tử vong. Được biết, Phạm Thị Hà và nạn nhân có quan hệ họ hàng, gọi nhau là chị em.

Đây chỉ là 3 dẫn chứng vô cùng đau lòng vừa mới xảy ra trong mấy ngày gần đây ở nước ta, mà bắt nguồn từ những lý do vô cùng nhỏ nhặt trong cuộc sống. Nguyên nhân sâu xa dẫn tới các vụ án thương tâm này có lẽ xuất phát từ việc chúng ta đã không kìm chế được sự tức giận, không làm chủ được cảm xúc của bản thân. Những vụ án cũng chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho cả xã hội về cách ứng xử giữa con người với con người, để làm sao đừng xảy ra những phút “bốc đồng” thiếu kiểm soát, mà như người Việt ta hay có câu: “Giận quá mất khôn”.

Hậu quả thì đã thấy rõ, vậy làm sao hóa giải được các cơn tức giận mang tính chất tiêu cực này? Các chuyên gia tâm lý học cho rằng, trước tiên, mỗi người trong chúng ta cần phải nhìn nhận lại tất cả sự việc để tìm ra lý do ngọn ngành của vấn đề mình đang suy nghĩ, đang tranh luận, đang cự cãi để có giải pháp thích hợp nhất. Hơn nữa, điều quan trọng là cần phải thường xuyên rèn cho mình sự bình tĩnh, rèn chữ “Nhẫn” để điều khiển chính sự tức giận của bản thân theo hướng tích cực, đừng để cơn tức giận làm cho hành động của chúng ta trở nên mù quáng.

Khi tức giận, bạn cũng có thể đánh mất cơ hội học hỏi, đánh mất cơ hội cho những điều tốt đẹp. Do đó, ngay từ khi còn nhỏ, mỗi con người chúng ta cần được tăng cường trau dồi các kỹ năng sống, giúp kiểm soát được các hành vi của bản thân, xử lý các tình huống trong cuộc sống một cách nhân văn nhất, tránh xảy ra những cảm xúc tiêu cực không đáng có.

Chúng ta cùng hi vọng trong cuộc sống sẽ có thêm thật nhiều “nụ cười” để những điều tốt đẹp sẽ ngày càng lan tỏa, để sự tức giận sẽ tan biến, để người với người sống nhân ái, yêu thương nhau nhiều hơn./.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
Liên kết hữu ích
.