.

Hậu COVID-19: Mất tiền thật từ nỗi sợ mơ hồ

Cập nhật: 09:04, 03/04/2022 (GMT+7)

Bản tính người Việt Nam thông minh, sáng tạo, cần cù, giỏi chịu đựng gian khổ, khó khăn. Vậy mà thói quen về việc “lắng nghe cơ thể” của chính mình thì lại chưa giỏi.

Cơ thể, sức khỏe là của mình, xét về tâm lý thì “không ai hiểu ta bằng ta”, ấy thế mà việc để ý sự biến đổi, chuyển biến các trạng thái bất thường của cơ thể, thì phản ứng chậm, bị động, phụ thuộc.

Thay vì tự đưa ra quyết định cần xét nghiệm, khám bệnh hay không, thì nhiều người lại hay kể lể kiểu “lấy bệnh làm thành tích”, rồi nghe theo chỉ dẫn của người khác mà quên rằng cơ địa, thể trạng mỗi người khác nhau.

Nên nhớ rằng, chỉ có bác sĩ chuyên khoa, dựa vào sự hỗ trợ của các loại máy móc thiết bị y tế, mới đưa ra phác đồ chuẩn đoán, điều trị chính xác được. Thực tế đã có không ít các trường hợp khóc dở, mếu dở “tiền mất tật mang” bởi các bài thuốc truyền miệng.

Hơn hai năm vật lộn với dịch bệnh COVID-19, nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, du lịch, vận tải… đuối sức; nhiều cơ sở phá sản, đóng cửa…, lao động mất việc làm tháo chạy về quê, tạo gánh nặng cho xã hội. Song hành là nỗi lo về lạm phát, bất ổn, giá cả nhiêu liệu tăng quá cao, vượt ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine.

Dịch bệnh làm bộc lộ bất cập trong cơ cấu quản lý chính sách kinh tế ở tầm vĩ mô như việc chỉ số CPI tăng cao, lạm phát bắt đầu hiện hình.

Trong hoàn cảnh đó, phải nhìn thẳng, nói thẳng ngành y, thiết bị y tế được hưởng lợi nhiều nhất trong thời gian dịch bệnh. Các quốc gia đổ hết sức người, sức của vào việc ngăn chặn dịch bệnh, ưu tiên hàng đầu cho công tác chống dịch, xét nghiệm diện rộng, bệnh viện, cửa hàng đầu tư thêm hàng loạt máy móc thiết bị y tế… Có cửa hàng bán thuốc mà phải đựng tiền vào bao tải vì két chật cứng mỗi ngày.
 

Có thời điểm truyền thông nói về tác hại, mức độ của dịch bệnh quá cao, đẩy nỗi sợ hãi của người dân chạm mức hoảng loạn. Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội mỗi nơi một kiểu, có nơi thực hiện khá cực đoan làm tê liệt dòng chảy kinh tế, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng, kéo lùi sự phát triển của kinh tế xã hội cả quãng dài.

Thực tế cho thấy virus gây dịch bệnh COVID-19 là thực thể sống, chúng có quyền song song tồn tại bình đẳng như các sinh vật khác trên trái đất. Hành tinh là nhà chung muôn loài chứ không phải của riêng của loài người. Loài người phải học cách chấp nhận sống chung, không có quyền coi chúng là kẻ thù để áp dụng các biện pháp cực đoan để tiêu diệt.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới ở Việt Nam vẫn ở mức hàng trăm nghìn ca một ngày, nhưng con số tử vong rất thấp, chủ yếu thuộc nhóm có bệnh nền, tuổi cao… Nếu xét chi ly thì số ca tử vong do COVID-19 đối với hơn chín triệu ca đã và đang nhiễm bệnh thì chỉ là “tuổi tí sinh giờ tẹo”, đặc biệt nếu so với số tử vong do COVID-19 với tai nạn giao thông, hay các nhóm bệnh khác thì con số rất ít.

Hậu COVID-19 là vấn đề quan tâm của hầu hết các bệnh nhân COVID-19 và cả người chưa từng nhiễm. Có thời điểm, vấn đề hậu COVID-19 được đưa tin dày đặc khiến người dân hoảng sợ. Chỉ cần tìm từ khóa “hậu COVID-19” trên google là ra ngay khoảng 60.800.000 kết quả chỉ trong 0,55 giây, đọc thì thấy đủ các loại triệu chứng hậu COVID-19 cùng với những bài thuốc, lời khuyên… Cũng chính từ đó, một bộ phận người dân đã lợi dụng dịch bệnh, sự sợ hãi của người dân để trục lợi bất chính khiến mọi người ào ạt đi khám, lấy thuốc, lấy liệu trình trị liệu.

Có người “tự kỷ ám thị” khi nghe kể về các triệu chứng lâm sàng về “hậu COVID-19” thì thấy mình có đủ: nào lo lắng, hồi hộp, mất ngủ, khó thở, tức ngực…, đi khám khắp mọi nơi vẫn không ra bệnh, lo càng thêm lo. Nếu chẳng may gặp phải đội ngũ tư vấn chuyên “chặt chém”, lấy vài ví dụ cá nhân điển hình có khả năng bị “hậu COVID-19” ra làm công thức chung cho người bệnh, rồi thúc giục người đi khám làm đủ loại xét nghiệm, thuốc men sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc của không ít người.

Lo lắng, chăm sóc cho sức khỏe bản thân là điều hết sức chính đáng. Thân thể mạnh khỏe, cường tráng là tài sản quý giá của bản thân và của cả quốc gia, bởi dân có cường, nước mới thịnh. Nhưng hãy hành động chăm sóc sức khỏe bản thân theo cách khoa học và hiểu biết.

Cần lắm tiếng nói của các chuyên gia đầu ngành Y tế, các bác sĩ, bằng kiến thức khoa học của mình hãy định hướng dư luận về đặc điểm lâm sàng, dịch tễ, điều trị “hậu COVID-19”, các điều kiện cần và đủ để nhóm người bệnh nào phải đi khám “hậu COVID-19”. Bên cạnh đó, hãy tổ chức một số hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn… tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về “hậu COVID-19” để cập nhật các thông tin khoa học đến kịp thời, chính xác đến người dân, không để các nhóm lợi ích có cơ hội trục lợi từ “hậu COVID-19” thành “tiền không ít”.

(Theo enternews.vn)
 

.
.
.