SEA Games và sự sẻ chia
SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5 sẽ có 40 môn thi đấu, diễn ra ở 12 địa phương khác nhau, trong đó Hà Nội là trung tâm với 28 môn thi tại 18 địa điểm. Ở 11 địa phương còn lại, Quảng Ninh có số môn thi đấu nhiều nhất (7) và diễn ra tại 5 địa điểm.
Ảnh: thethao.sggp.org.vn |
Tổ chức SEA Games 31 được xem là nỗ lực rất lớn của ngành thể thao Việt Nam, đặt trong bối cảnh bị động về thời gian do ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài từ dịch Covid-19. Dù vậy, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị được chính các đoàn thể thao Đông Nam Á đánh giá là thành công.
Các địa điểm thi đấu chủ yếu được nâng cấp từ cơ sở vật chất có sẵn, đa số được xây dựng từ SEA Games đầu tiên mà Việt Nam đăng cai năm 2003. Ở một số địa phương, nhiều công trình trọng điểm được làm mới để chia sẻ gánh nặng tổ chức với đơn vị đăng cai chính là Hà Nội.
Sân vận động mới gần 30.000 chỗ ngồi tại Phú Thọ, địa phương vốn không có truyền thống bóng đá, là một ví dụ. Khu đua thuyền tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) được đánh giá là sẽ tạo sức bật cho thể thao địa phương trong tương lai.
Quan trọng hơn, các địa phương tham gia đăng cai SEA Games 31, cũng đồng nghĩa việc chia sẻ nhiều khó khăn về mặt tài chính và áp lực tổ chức. Những yếu tố khách quan từ dịch Covid-19 khiến chi phí tăng lên trong khi nguồn thu giảm mạnh nên công tác quảng bá cũng như mối quan tâm của người hâm mộ địa phương không trọn vẹn như ở một sự kiện bình thường.
Nói cách khác, những lợi ích thường thấy khi tham gia tổ chức một sự kiện lớn như SEA Games sẽ không được nhìn thấy một cách cụ thể đối với từng địa phương tại kỳ đại hội này. Thực tế, bên cạnh hoạt động mang tính nghĩa vụ, trách nhiệm này còn phải bảo đảm các mục tiêu thành công chung và hiệu quả đầu tư riêng.
Nói đi cũng phải nói lại, SEA Games 31 là một cơ hội tốt để ngành thể thao Việt Nam có dịp đánh giá lại tiềm năng cũng như tồn tại của các hoạt động đầu tư tại địa phương, nhất là cơ sở vật chất. Ví dụ như tại Hà Nội, một loạt địa điểm thi đấu ở ngoại thành được nâng cấp rất khang trang, bảo đảm đủ tiêu chuẩn tổ chức các sự kiện quốc tế. Điều này cho thấy quỹ không gian, vật chất phát triển thể thao đỉnh cao hiện không thiếu, nhưng hoạt động chưa hiệu quả dẫn đến công tác sửa chữa luôn phải chờ đến khi có sự kiện lớn mới có kinh phí thực hiện.
Trường hợp của sân vận động quốc gia Mỹ Đình là điển hình. Đây là một bài toán không dễ giải quyết cho ngành thể thao, nhưng trước mắt, qua SEA Games 31 cũng như với sự sẻ chia trách nhiệm từ các địa phương, dư địa để phát triển thể thao đỉnh cao của Việt Nam vẫn rất lớn về cơ sở vật chất lẫn ý chí chính trị của thể thao tỉnh thành.
Ở lần đầu đăng cai SEA Games năm 2003, thể thao Việt Nam đã giành ngôi số 1 và duy trì vị trí trong tốp 3 đoàn mạnh nhất Đông Nam Á đến nay. Gần 20 năm, chúng ta đăng cai lần thứ 2 và không phải đầu tư quá lớn cho công tác tổ chức nhờ có sẵn hạ tầng cũng như tinh thần trách nhiệm, cũng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, qua đó cũng đặt ra vấn đề về sự phát triển đồng bộ cũng như thúc đẩy quá trình chuyên nghiệp hóa thể thao ở bề rộng.
Thực tế cho thấy, số lượng môn thi đấu đỉnh cao ở đẳng cấp quốc tế của Việt Nam vẫn chưa nhiều, trong khi các môn thể thao mang tính phổ biến toàn quốc cũng không quá đa dạng dù điều kiện cơ sở vật chất không thiếu.
Chiến lược phát triển hiện vẫn đang tập trung cho công tác đầu tư huấn luyện đỉnh cao mà chưa đặt tầm nhìn cho công tác phong trào, bề rộng để khai thác tiềm năng từ các địa phương. Nếu làm được như vậy, giá trị từ sự sẻ chia mà chúng ta thấy từ SEA Games 31 sẽ còn được nhân lên nhiều lần.
(Theo sggp.org.vn)