Thứ Sáu, 13/05/2022, 13:20 (GMT+7)
.

Cần xem lại hình thức kiểm tra, đánh giá môn Lịch sử

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lời dạy cho ta thấy được tầm quan trọng của việc dạy và học lịch sử đối với học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước. Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử chống giặc ngoại xâm với những trang sử hào hùng, chói lọi.

Thông qua dạy và học lịch sử giúp học sinh biết được quá khứ hào hùng của dân tộc để thêm yêu, thêm tự hào và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam, tiếp tục kế thừa truyền thống bất khuất của các thế hệ cha anh.

Tuy nhiên, thực trạng việc học lịch sử của học sinh hiện nay thật đáng buồn, điểm thi các môn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì nhiều năm liền, môn Lịch sử “đội sổ” trong tất cả các môn của kỳ thi này. Vậy nguyên nhân của chất lượng dạy và học lịch sử thấp là do đâu? Theo tôi, với tư cách là giáo viên dạy Lịch sử, tôi rút ra được một số nguyên nhân sau: Do tâm lý của học sinh, phụ huynh chỉ xem Lịch sử là môn phụ nên chỉ học cho qua môn. Một số bài học của sách giáo khoa chỉ trình bày đơn thuần, khô khan các số liệu, sự kiện lịch sử cụ thể.

Thứ hai, tâm lý giáo viên dạy môn Lịch sử hiện nay chủ yếu là dạy cho có để hoàn thành nhiệm vụ, nên người dạy ít nhiều chưa đầu tư và dành hết tâm huyết cho việc giảng dạy. Nhưng theo cá nhân tôi, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến chất lượng dạy và học môn Lịch sử đạt thấp là do hình thức ra đề thi và kiểm tra chưa phù hợp.

Những năm gần đây, môn Lịch sử được thi với hình thức chủ yếu là trắc nghiệm. Mỗi hình thức kiểm tra, đánh giá đều có ưu và nhược điểm riêng. Tuy  nhiên, hình thức thi trắc nghiệm vẫn bộc lộ nhiều bất cập cần suy nghĩ. Thực tế cho thấy, thi trắc nghiệm mới chỉ đánh giá được năng lực hiểu, biết chứ không đánh giá được khả năng vận dụng của học sinh - điều mà thi tự luận có thể giải quyết rất tốt do dung lượng của thi trắc nghiệm không thể chứa đựng, xâu chuỗi nhiều thông tin như thi tự luận.

Nguyên tắc “vàng” của khoa học Lịch sử là tái hiện lại quá khứ với bộ mặt vốn có của nó, để rút ra bài học kinh nghiệm, để yêu đất nước và có lòng tự tôn dân tộc. Chỉ có hình thức thi tự luận với cấu trúc hợp lý, lưu lượng kiến thức vừa đủ, cùng thời gian làm bài phù hợp mới có thể đánh giá đầy đủ, đa diện và chính xác tư duy, trí tuệ của học sinh.

Và thực tế một đề thi trắc nghiệm không thể giúp học sinh tái hiện, xâu chuỗi các sự kiện theo một trình tự thời gian, tái hiện được các sự kiện đầy đủ và rút ra ý nghĩa, sự kiện và bài học của các sự kiện ấy để thêm yêu, thêm tự hào về những trang lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Nhưng điều này lại được thể hiện rất tốt trong hình thức thi tự luận.

Ngoài ra, theo tôi cần đa dạng các hình thức kiểm tra thường xuyên như: Thuyết trình, sưu tầm các tư liệu về lịch sử địa phương; giáo viên nên tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử ở địa phương, điều này sẽ thực hiện được trong việc lồng ghép với môn Giáo dục địa phương trong chương trình cải cách hiện hành…

Trên đây là  một số suy nghĩ của cá nhân người viết để có thể nâng chất việc dạy và học môn Lịch sử. Trong thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất về việc môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ trở thành môn học tự chọn là đề xuất cần cân nhắc vì quan điểm của nước ta khi hội nhập là “hòa nhập nhưng không hoà tan” trước các giá trị “văn hóa ngoại lai” đang ngày một xâm lấn.

MẠNH TUẤN
(Giáo viên dạy môn Lịch sử ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

.
.
.