Thứ Bảy, 09/07/2022, 08:07 (GMT+7)
.

Sách giáo khoa - chưa là câu chuyện cũ!

(ABO) Chuẩn bị cho năm học mới, cha mẹ có con em trong độ tuổi đến trường bắt đầu hành trình chuẩn bị về tâm thế, mua sắm sách, vở, đồ dùng học tập... Mỗi cấp học, địa bàn, khu vực, phụ huynh học sinh có những nỗi lo riêng, nhưng tất cả đều mong cho con có điều kiện học tập tốt nhất.

Tuy nhiên, câu chuyện về sách giáo khoa (SGK), nhất là những câu hỏi liên quan giá sách và cơ chế xã hội hóa sản phẩm đặc biệt này, lại một lần nữa làm nóng diễn đàn thảo luận của các đại biểu Quốc hội và cử tri, với nhiều băn khoăn, trăn trở.

Và mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ký Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành SGK mới, lại càng làm dấy lên sự quan tâm của dư luận về câu chuyện SGK.

Phụ huynh vả học sinh chọn mua SGK. Ảnh: P.CÔNG
Phụ huynh và học sinh chọn mua SGK. Ảnh: P. CÔNG

Năm học 2021 - 2022, bậc học phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12) đang sử dụng sách giáo khoa (SGK) của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành theo Thông tư 32 ngày 26-12-2018 của Bộ GD-ĐT (Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018) ở các lớp 1, 2, 6 và của Chương trình giáo dục phổ thông theo Quyết định 16 ngày 5-5-2006 của Bộ GD-ĐT (Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006) cho các khối lớp còn lại.

Năm học 2022 - 2023 thêm các khối lớp 3, 7, 10 thực hiện SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt và UBND các tỉnh, thành lựa chọn sử dụng trên địa bàn (đối với SGK Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018) là tài liệu học tập bắt buộc đối với học sinh.

Ai là phụ huynh cũng biết, từ năm học 2020 - 2021 giá SGK lớp 1 đã cao hơn bộ cũ từ 3 đến 4 lần. Năm nay, giá SGK lớp 3, 7, 10 (các lớp học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018) cao hơn 2 đến 3 lần. Trong khi đó, dư luận thật bất ngờ khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố báo cáo kết quả kinh doanh trong năm 2021, nhà xuất bản này đã in hơn 164 triệu quyển, vượt 40% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 1.828 tỷ đồng, trong đó trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách. Lãi sau thuế là 287 tỷ đồng, cao gấp 250% so với kế hoạch được giao.

Những gia đình nào có con đi học từ lớp 1 đến hết lớp 12 mới thấy số tiền chi cho mua SGK và sách tham khảo tốn kém đến mức nào. Nhiều triệu đồng là một gánh nặng cho các gia đình nghèo, gia đình ở vùng sâu, vùng xa. Một trong các lý do mà một số gia đình cho con nghỉ học là tiền chi đầu năm học mới cho một đứa trẻ đến trường, trong đó có SGK, trở nên quá sức của cha mẹ.

Nỗi lo này không chỉ cho người dân nông thôn mà ở thành thị cũng chịu áp lực. Bởi lẽ, SGK mỗi năm mỗi kiểu, mỗi giá khác nhau, sau một năm học, hàng chồng SGK còn mới tinh nhưng phải bán ve chai vì sách mới “ra lò” được cho là “hay hơn”, biên soạn tốt hơn và theo quy chuẩn mới.

Còn nhiều giáo viên thì cho rằng, việc SGK thay đổi liên tục không chỉ lãng phí mà còn làm khó cho cả thầy cô, học trò và phụ huynh. Giáo viên năm nào cũng phải đi tập huấn nâng cao, học trò thì chạy hụt hơi với cái được cho là hiện đại, còn phụ huynh thì không biết làm sao mà phụ giúp con học, vì năm ngoái mới cất công tìm hiểu dạy cho đứa lớn, đến đứa nhỏ thì chương trình, nội dung lại khác rồi. Điều này ngay cả với những người có học vấn cao cũng lúng túng chứ đừng nói gì đến người bình dân.

Giải thích nguyên nhân giá SGK tăng, nhằm cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV (vào tháng 6-2022), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc so sánh giá SGK mới và cũ là không tương đồng, bởi sách của Chương trình mới được thực hiện xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội “một chương trình, nhiều bộ SGK”. Các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Hơn nữa, quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết thêm, SGK mới hoàn toàn sử dụng được nhiều lần chứ không chỉ một lần. Về SGK của Chương trình cũ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ, đó là sách mà Nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều khâu, từ biên soạn, thẩm định. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đang cân nhắc triển khai làm sao để giá SGK hợp lý nhất, thuận tiện cho người học. Để có giải pháp lâu dài, Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định.

Đề cập vấn đề này, các chuyên gia kinh tế nhận định, SGK là mặt hàng vô cùng thiết yếu, cần được đưa vào danh mục Nhà nước định giá. Chỉ khi đưa được vào danh mục định giá, thì mới được phép quản lý, lúc này dù giá “trần” hay "sàn" cũng đều là công cụ quản lý giá.

Ai cũng thấy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới và Luật Giáo dục 2019, Bộ GD-ĐT triển khai “một chương trình, nhiều bộ SGK”. Đây là hướng đi đúng, để đa dạng hóa cách tiếp cận, mời gọi nhiều nhà khoa học, nhà giáo cùng viết sách, khuyến khích giáo viên chủ động tìm tòi, sáng tạo trong dạy học. Từ năm 2020, việc thay SGK là đương nhiên, theo lộ trình, đến năm 2025, việc thay SGK sẽ hoàn thành.

Nhưng vấn đề đáng bàn ở chỗ, không phải là “nhiều bộ SGK” mà là cách chọn sách, dùng SGK. Các địa phương dựa vào danh mục SGK (5 bộ) mà Bộ GD-ĐT đã phê duyệt, căn cứ vào tình hình địa phương để “tự chọn”. Rồi đến mỗi trường học lại thành lập hội đồng, mỗi môn chọn một đầu sách... Có khi các SGK được chọn không bắt buộc thuộc cùng một bộ. Thế là SGK được dịp “nhảy múa”, mỗi trường lại căn cứ vào địa bàn mà chọn cho mình những sách khác nhau. Lại có địa phương năm nay dùng loại SGK này, sang năm dùng loại SGK khác. Thế là SGK chỉ dùng một năm, không tái sử dụng được. Còn chưa nói tới lãng phí ở các loại sách tham khảo, sách bài tập mà phụ huynh được gợi ý “nên mua”!

Về tiêu chuẩn SGK, xin được nhắc lại những tính chất hầu như được thế giới khẳng định là: Tính mẫu mực; tính khoa học; tính ổn định, cập nhật; tính kế thừa. Chỉ xin nói thêm là không chỉ kế thừa tinh hoa các SGK thời trước đó, mà còn bảo đảm tính kế thừa ở người học, bởi không chỉ học ở trường, còn học ở nhà, ở mọi nơi, mọi lúc nên dựa vào SGK cha mẹ có thể dạy con, anh chị có thể dạy em... Nhưng nay SGK mỗi trường mỗi khác, chưa nói tới chuyện “dạy” cho nhau, ngay việc học khác trường là khó “dạy” nhau. Rồi chuyển trường, tất yếu phải thay sách... Không chỉ lãng phí tiền của, mà còn là lãng phí tri thức!

Tuy nhiên, dư luận cũng có phần an tâm, khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đã có Chỉ thị về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc các Sở GD-ĐT chỉ đạo Phòng GD-ĐT, cơ sở giáo dục địa phương không được ép buộc học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo, sách bài tập.

Ngoài ra, giáo viên và cán bộ quản lý không được lạm dụng vị trí công tác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, phụ huynh mua các đầu sách tham khảo ngoài danh mục SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt; không lập danh mục, đóng gói chung SGK với sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt. Dù vậy, việc quy định chưa nêu rõ chế tài và trách nhiệm người thực hiện, nên trên thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng bất nhất!

HỮU NGHỊ

 


 

 

.
.
.