.

Tăng cường ý thức phòng, chống tin giả

Cập nhật: 10:24, 16/07/2022 (GMT+7)

Vừa qua, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tô Vĩ Hoàn do hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, nhằm bôi nhọ hình ảnh thương hiệu của Tập đoàn Vingroup trên mạng xã hội.

Trước tác hại ngày càng lớn của tin giả, không ít người cho rằng, đã đến lúc phải xử lý hình sự với những đối tượng tung tin đồn thất thiệt, đặc biệt với những tin đồn làm thiệt hại lớn cho xã hội. Đồng tình cần có “án điểm”, song một số chuyên gia nhiều năm nghiên cứu tin giả cho rằng, căn cơ hơn là "phòng” vẫn tốt hơn “chống”.

Tin giả, nhất là trên môi trường mạng sẽ không bao giờ bị triệt tiêu bởi ngày càng có nhiều kẻ xấu giấu mặt tung tin với mục đích ác ý; không còn "rảnh rỗi sinh nông nổi", loan tin “cho vui” như trước. Nhưng chúng ta có thể hạn chế số người chia sẻ, lan truyền tin giả bằng cách hướng dẫn người dân về kỹ năng nhận biết tin giả, nâng cao năng lực phân tích thông tin dựa trên lý trí.

b

Ảnh minh họa: cand.com.vn

Thông thường dễ thấy, một tin giả khiến nhiều người tiếp nhận lầm tưởng là "tin thật” khi tần số xuất hiện dày đặc. Do vậy, cuộc chiến chống tin giả phải được tiến hành không ngừng, không nghỉ. Mục đích là để người dân luôn có ý thức đề phòng tin giả trộn lẫn trong “ma trận” thông tin thời đại số.

Hiện nay, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT) hoạt động hơn một năm nhưng chỉ tồn tại trên trang web của trung tâm (tingia.gov.vn). Việc chống tin giả sẽ kịp thời và hiệu quả hơn nếu chủ động đi trước xác minh, phản bác tin giả, cung cấp cho người dân sớm nhất thông qua cơ quan báo chí, kênh thông tin chính thống. Đây là cách làm khả thi, thay vì để tin giả tán phát, ảnh hưởng xấu đến xã hội rồi mới ra tay xử lý.

Để phòng ngừa tác hại của tin giả, vấn đề cốt lõi vẫn là ý thức của mỗi công dân. Tin giả không khác nào virus lây bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, để chống tin giả, mỗi người cần tăng cường ý thức phòng, chống. Song, đáng lo ngại khi nhiều tin giả rất vô lý mà vẫn có thể lừa được khá nhiều người.

Ngoài lý do không ít người Việt Nam sống duy tình, tò mò, hiếu kỳ, a dua theo "tâm lý đám đông" nên rất dễ bị tin giả "dắt mũi" thì nguyên nhân khác là kỹ năng nhận biết, hình thành “bộ lọc” tin giả của nhiều người vẫn rất thiếu và yếu.

Tôi từng giải thích cho không ít bạn bè tuy sở hữu bằng cấp đầy mình nhưng lại thiếu hiểu biết đến độ không phân biệt đâu là báo chí chính thống, đâu là trang thông tin giả mạo, rằng: Chỉ nên đọc thông tin trên báo chí chính thống đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép hoạt động; còn những trang thông tin chia sẻ thông tin “nóng” không được cấp phép thì phải hết sức cẩn thận xác minh thông tin. Tuy vậy, có người vẫn bỏ ngoài tai lời góp ý chân thành, trách nhiệm đó.

Lấy dẫn chứng như vậy để thấy rằng, muốn tạo ra kỹ năng, sức đề kháng phòng, chống tin giả cho người dân là việc không hề đơn giản, dù nhận diện độ chính xác của thông tin không quá phức tạp nếu chú ý dấu hiệu bất thường của nguồn tin, tác giả, thời điểm, ngôn từ, hình ảnh... Tất cả chỉ cần chút cẩn trọng, tỉnh táo, sử dụng lý trí để phân tích thì người đọc sẽ sớm nhận ra thông tin ấy liệu có đáng tin cậy?

Thói quen phân tích, sử dụng lý trí khi đối diện với thông tin vốn không có sẵn trong nhận thức nhiều người dân. Vì vậy, rất cần những buổi nói chuyện, tọa đàm, thuyết trình của các chuyên gia tại công sở, trường học, nhà máy... để giúp người dân, nhất là người trẻ nâng cao hiểu biết, kỹ năng nhận diện tin giả. Đây là một trong những việc làm cần thiết góp phần nâng cao trách nhiệm và phát huy sức mạnh cộng đồng trong "cuộc chiến" chống tin giả hiện nay.

Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử

.
.
.