Thứ Năm, 11/08/2022, 21:23 (GMT+7)
.

Vẫn câu chuyện về Rượu!

Những ngày vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng, khiến một số người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí có trường hợp đã tử vong. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc lạm dụng rượu cũng như sử dụng rượu không bảo đảm an toàn.

Các bác sĩ đang điều trị tích cực cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: BVCC)
Các bác sĩ đang điều trị tích cực cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: BVCC)

Ngày 5/8, tại TP Hồ Chí Minh, nhóm 8 người hầu hết là sinh viên, rủ nhau nhậu tại một quán nhậu trên đường 50, phường Phước Long B, TP Thủ Đức.  Trong buổi nhậu đó, họ có uống một loại rượu... "không rõ loại gì". Sau khi uống về, 1 người tử vong tại phòng trọ, 7 người còn lại bị đau bụng, chóng mặt, nôn ói nhiều, có uống thuốc nhưng không hết. Sau đó có các triệu chứng co giật, lơ mơ, hôn mê nên được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu và 1 người nữa đã tử vong tại bệnh viện. Trong 6 người bị ngộ độc methanol còn lại, 2 người đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (đã ổn định), 4 người điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (trong đó có 1 người khá nặng).

Cũng trong khoảng thời gian này, vào đêm ngày 6 và 7/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định lại tiếp nhận thêm 5 trường hợp bị ngộ độc rượu khác, trong đó có trường hợp đã uống rượu pha nhầm với cồn rửa tay có chứa methanol và 5 trường hợp này đã được lọc máu. Điểm chung của các nạn nhân là có chỉ số xét nghiệm methanol cao. Nếu chậm trễ vào bệnh viện cấp cứu thì khả năng tử vong rất cao.

Trước đó cũng đã xảy ra một vụ chết người nghi do ngộ độc rượu tại tỉnh Cà Mau. Cụ thể, vào ngày 20 và 21/7, 6 người cùng xóm đã nhậu hết khoảng 5 lít rượu. Tối 22/7, 3 phụ nữ trong nhóm có biểu hiện nôn ói, khó thở và được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cấp cứu.

Trên đường đi cấp cứu có 1 người tử vong, sau đó vào ngày 23/7 thì 2 người phụ nữ còn lại dù các bác sĩ rất tích cực cứu chữa, bù nước và lọc máu nhưng cả hai đã không qua khỏi. Hai nạn nhân sau đó được chẩn đoán ngộ độc rượu, nghi ngộ độc methanol (cồn công nghiệp). 

Ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm (sử dụng rượu được sản xuất từ phương pháp lên men thủ công dễ tạo ra methanol, rượu pha chế từ cồn công nghiệp có chứa methanol hoặc cồn methanol, rượu ngâm thuốc, rượu ngâm cây rừng độc, rượu ngâm phủ tạng động vật…).

Những vụ ngộ độc rượu có chứa methanol trên không phải mới xuất hiện mà đã có nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong những năm qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu như trước đây các vụ ngộ độc rượu methanol xảy ra tần suất nhiều ở các tỉnh thành phía Bắc, thì thời gian gần đây, có hàng loạt vụ ngộ độc được ghi nhận tại các tỉnh, thành phía Nam.

Ngày 10/8, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, thông thường chúng ta gặp hai loại ngộ độc rượu chính là ngộ độc rượu Etylic (ethanol) và ngộ độc rượu Metylic (methanol).

Methanol được dùng trong công nghiệp hóa chất, ngộ độc methanol xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, ô xy hóa thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong. Độc tính của methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt…

“Các trường hợp ngộ độc methanol sẽ để lại di chứng rất nặng nề. Trường hợp ngộ độc methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong”, bà Lan chia sẻ.

Rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh. Cũng theo bà Lan, để làm tốt công tác phòng, chống ngộ độc rượu, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh hơn nữa để người dân hiểu sâu sắc về những tác hại của việc lạm dụng rượu cũng như việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn.  Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu. Không sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác.

Đối với người tiêu dùng, cần thận trọng trong việc sử dụng rượu, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong;  không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.  Khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào xảy ra khi sử dụng rượu, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở ý tế gần nhất để xử lý kịp thời.

Đối với TP Hồ Chí Minh, trước thực trạng xảy ra một số vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng trong thời gian gần đây, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn thực hiện lấy mẫu rượu, bia, đồ uống có cồn, gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định. Thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn không đảm bảo an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm khi có vi phạm. Thời gian dự kiến từ ngày 15/8 cho tới hết năm 2022.

Trước đó, trong Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm được ban hành vào ngày 1/8/2022,  Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, có giải pháp phù hợp xử lý tình trạng ngộ độc rượu; tăng cường xử lý các cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt xử lý nghiêm các cơ sở dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu gây ngộ độc; chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế tăng cường cảnh báo nguy cơ và hậu quả của việc sử dụng rượu tự pha chế không rõ nguồn gốc.

Trên thực tế, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được giữa rượu chứa methanol và rượu bình thường bằng vị giác và khứu giác. Cách phân biệt được chỉ qua xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Với giá thành rẻ, methanol được trộn pha thành rượu để thu lợi bất chính.

Bằng việc tăng cường truyền thông cho người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ chính mình, để các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao trách nhiệm với cộng đồng thì chúng ta cũng đã có các chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này, trong đó có Bộ luật Hình sự, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia…

Trường hợp vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Mới đây, vào ngày 25/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội cũng vừa tuyên phạt Nguyễn Văn Quỳnh mức án 17 năm tù về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự. Người này đã mua cồn công nghiệp methanol về pha chế với rượu, bán ra thị trường làm chết 3 người.

Những tác hại của việc lạm dụng rượu, sử dụng rượu không đảm bảo an toàn chắc hẳn nhiều người đã thấy rõ. Mong sao sẽ không xảy ra thêm một vụ việc đáng tiếc nào nữa, không ai phải trả giá đắt bằng chính mạng sống của mình chỉ vì sự chủ quan khi sử dụng rượu hay bởi lòng tham của những người vô trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng.

(Theo dangcongsan.vn)

 

 

.
.
Bảng giá johnnie walker chính hãngMua vang trắng ý chính hãngMua vang chén thánh nhập khẩu cao cấp Vang Úc Vang nổ Red Apron wine shop VietNamThưởng thức vang sủi giá tốt
.