Thứ Tư, 10/08/2022, 20:20 (GMT+7)
.

Zalo thu phí - nước cờ cao hay là mạo hiểm?

Zalo thu phí có lý của họ, khi họ có đủ số liệu tính toán về lượng người dùng, các công ty sử dụng Zalo trong công việc không hề ít.

a
Zalo thông báo thu phí người dùng từ 1/8.

Không thể phủ nhận Zalo là ứng dụng nhắn tin hết sức phổ biến tại Việt Nam, hầu hết trong máy tính, điện thoại của nhiều người đều cài đặt ứng dụng này.

Rất nhiều hội nhóm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được lập trên nền tảng của Zalo với tính năng tạo bình chọn, cuộc hẹn rất dễ sử dụng. Thao tác đơn giản, thân thiện, nên không chỉ các bạn trẻ mà đội ngũ trung niên cũng nhanh chóng tiếp cận và sử dụng thành thạo ứng dụng này.

Cùng với Messenger, Zalo luôn đứng đầu trong số tài khoản đăng ký sử dụng ứng dụng OTT phổ biến tại Việt Nam với hàng trăm triệu tài khoản đang hoạt động.

Do vậy, dù thông báo từ trước: Từ ngày 1/8/2022, sau 10 năm cung cấp sử dụng phần mềm miễn phí, Zalo bắt đầu tính gói thuê bao đối với người dùng với 3 mức; vẫn còn bản sử dụng miễn phí song song nhưng sẽ bị giới hạn tính năng, số  đông  người dùng Zalo vẫn bị sốc.

Zalo thu phí là thông tin gây xôn xao dư luận, nhất là những người thường xuyên sử dụng Zalo. Chắc chắn việc thu phí này là một bước đi được tính toán kỹ của Zalo sau khi đã đánh giá hết các rủi ro.

Với bản miễn phí giới hạn tính năng người lạ không thể xem và bình luận trên nhật ký chủ tài khoản, với nhiều người thì coi đây là việc bình thường, có khi còn thấy thích khi có cảm giác không bị làm phiền. Nhưng với những người bán lẻ, việc họ đăng bài lên nhật ký chính là đăng quảng cáo, nếu bị giới hạn không để người lạ xem và bình luận đồng nghĩa với việc thông tin sản phẩm, tính năng, giá cả không tiếp cận được với khách hàng sẽ là thiệt hại lớn.

Mà để giữ uy tín, thương hiệu của người bán hàng thì tài khoản Zalo chính là tài sản vô hình không thể dễ dàng thay đổi thông tin mà tạo được lòng tin cho khách hàng. Nhất là những khách hàng quen thuộc, sau đó họ giới thiệu cho bạn bè người thân mà lại bị giới hạn tài khoản có 40 lần hiển thị trên tháng, khi người lạ tìm kiếm trên qua số điện thoại thì không thể kết nối được giữa người bán và người mua.

a
Các gói dịch vụ trả phí do Zalo cung cấp tới. Ảnh: Chụp màn hình

Theo thông báo từ Zalo, mỗi tài khoản chỉ được phản hồi 40 hội thoại từ người lạ mỗi tháng, danh bạ còn giới hạn tối đa 1.000 liên hệ. Tài khoản thường không còn được sử dụng tên người dùng (username), vốn dĩ tiện lợi hơn việc hiển thị số điện thoại rất nhiều.

Cũng theo thông báo này, bắt đầu từ ngày 1/8/2022, Zalo chính thức triển khai 3 gói thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam. Trong đó, bao gồm gói trả phí dành cho doanh nghiệp (dạng tài khoản OA Doanh Nghiệp) sẽ gồm Dùng thử (10.000 đồng), Nâng cao (59.000 đồng) và Cao cấp (399.000 đồng).

Thời gian mới chỉ ở thời điểm bắt đầu, chưa thể dễ dàng có đánh giá, nhận xét khi chưa có sử dụng trải nghiệm để so sánh giữa bản miễn phí và bản phải nộp phí, nhưng quan điểm cá nhân của người viết là Zalo đang thu phí trên nền tảng những dịch vụ đã cung cấp miễn phí chứ không phải là gói có tính năng vượt trội hơn bản miễn phí bình thường. Nước đi này có thể kéo người sử dụng rời bỏ Zalo chuyển sang các ứng dụng khác.

Người viết làm việc cho doanh nghiệp FDI, khi họp hành thì dùng team, skype, còn nhắn tin trao đổi dùng viber. Người nước ngoài không có thói quen sử dụng Zalo do lo lắng về tính bảo mật của thông tin cũng như hạn chế về thời hạn lưu trữ hình ảnh, tin nhắn vì chỉ sau một thời gian nếu cần tìm lại sẽ thấy dòng “ảnh không còn tồn tại”, trong khi skype thì sau cả năm cũng vẫn còn.

Chưa kể các bạn trẻ rành công nghệ thích dùng telegram, viber, whatapp… mà những phần mềm ứng dụng này vẫn đang miễn phí và chạy rất mượt mà, chất lượng hình ảnh còn được đánh giá tốt hơn cả Zalo.

Việc quen dùng miễn phí cũng là một thói quen thật ra là không tốt của người Việt. Việc sử dụng dịch vụ thì cần trả phí để nhà cung cấp duy trì bộ máy, nhân sự, nâng cấp phần mềm, tính năng hướng tới người dùng. Vấn đề là để thay đổi được tư duy này không hề đơn giản trong một sớm, một chiều.

Zalo thu phí có lý của họ, khi họ có đủ số liệu tính toán về lượng người dùng, các công ty sử dụng Zalo trong công việc không hề ít. Có doanh nghiệp sử dụng Zalo như một sự lệ thuộc, cứ có giao dịch nào là đối tác yêu cầu kết nối Zalo, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ, bất động sản, máy móc, thiết bị chuyên dụng…. Có công ty từ giám đốc đến nhân viên bảo vệ vận hành qua các nhóm Zalo, lượng tương tác thông tin hàng ngày nhiều hơn hẳn các ứng dụng khác.

Có điều bước đi này trong hoàn cảnh hiện nay liệu có kéo được người dùng vui vẻ trả phí, trải nghiệm dịch vụ cho thói quen của mình, hay sẽ tạo thành làn sóng xóa bỏ cài đặt Zalo chuyển sang các ứng dụng miễn phí khác là điều Zalo cần cân nhắc tính toán.

Vừa thay đổi vừa theo dõi nghe ngóng để có điều chỉnh cho hợp lý vì khách hàng vẫn là người quyết định sự tồn tại của bất kỳ ngành nghề sản xuất hay kinh doanh dịch vụ nào.

Nếu không theo dõi chặt chẽ phản ứng, có những điều chỉnh phản hồi từ người dùng thì Zalo sẽ là cái tên nối dài sau  Zingme, Yahoo… lừng lẫy một thời.

(Theo enternews.vn)

.
.
.