Thứ Bảy, 10/09/2022, 15:21 (GMT+7)
.

Đổi mới đúng nghĩa

Tính đến năm học 2022 - 2023, các trường học trên cả nước đã triển khai Chương trình GDPT 2018 được 6 khối lớp, trong đó nhiều nhất là tiểu học, với lớp 1, lớp 2 và lớp 3.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp học này trong năm học 2022 - 2023 được Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý là đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học.

Chuyển từ Chương trình GDPT 2006 sang thực hiện Chương trình GDPT 2018, mục tiêu thay đổi thì nội dung, phương pháp quản trị nhà trường buộc phải thay đổi theo. Chương trình GDPT 2018 có những môn học, hoạt động giáo dục mới; phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá cũng khác, đòi hỏi ban giám hiệu phải thay đổi cách quản trị. Việc quản trị đội ngũ, phân công giáo viên, sắp xếp thời khóa biểu, nhất là khi triển khai các môn học mới; rồi quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, các nguồn học liệu ra sao để bảo đảm hiệu quả cũng là nội dung quan trọng cần lưu ý.

Mấu chốt của đổi mới quản trị trường học nằm ở vai trò của người hiệu trưởng, là nhà quản trị. Hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm trước nhà trường và người học, phụ huynh về sự tin cậy, tính thích ứng và hiệu quả chi phí quản lý thông qua việc phân chia trách nhiệm, nguồn lực và kiểm soát tính hiệu lực và hiệu quả.

Thực tế hiện nay khó có thể nói hết những vất vả của hiệu trưởng các trường học khi đồng thời quản trị cùng lúc hai chương trình (GDPT 2006, GDPT 2018). Dù vậy, với nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công cuộc đổi mới, thời gian qua đa số lãnh đạo các trường đã nỗ lực để theo kịp yêu cầu. Nhiều trường tiểu học, đặc biệt với mô hình trường chất lượng cao, tiên tiến, tư thục, hiệu trưởng đã mạnh dạn hướng đến quản trị hiện đại, thực hiện cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội - giải trình.

Tuy nhiên, so với các bậc học cao hơn, thực tiễn đổi mới quản trị nhà trường ở cấp tiểu học vẫn còn lắm gian nan. Mặc dù trong quá trình chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT 2018, công tác tập huấn quản trị nhà trường được Bộ hết sức quan tâm, song thực tế triển khai vẫn còn bất cập.

Nguyên do là ở cấp tiểu học, khái niệm tự chủ chưa được phát huy mạnh mẽ. Nhiều nơi còn thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng; một số giáo viên, cán bộ quản lý lớn tuổi, ngại đổi mới và chưa tự tin vào chính mình. Các vấn đề về quản trị nhân sự thường làm theo kinh nghiệm. Đặc biệt là dân chủ ở cơ sở nhiều nơi vẫn còn nằm trên… quy chế.

Những ai quan tâm đến giáo dục hẳn còn nhớ vụ việc mất dân chủ ở một trường tiểu học tại Hà Nội vài năm trước, khi phụ huynh yêu cầu làm rõ nguyên nhân con bị gãy chân, nhà trường đã “đáp trả” bằng kết quả khảo sát 100% giáo viên, nhân viên trong nhà trường trả lời... đúng với ý của hiệu trưởng.

Tại một hội nghị thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục - đào tạo do Văn phòng Chính phủ tổ chức ở Hà Nội, nhiều đại biểu từng thừa nhận có thực tế văn bản quy chế dân chủ rất nhiều nhưng việc thực hiện tại không ít cơ sở giáo dục còn hình thức, sơ sài, chưa hiệu quả, chất lượng chưa cao. Thậm chí có tình trạng “quyền của hiệu trưởng càng cấp dưới càng to”.

Triển khai Chương trình GDPT mới đòi hỏi công tác quản trị tại các cơ sở giáo dục phải đổi mới, thậm chí phải đi trước một bước. Muốn làm tốt điều này, không chỉ hiệu trưởng phải thay đổi về nhận thức, tư duy, cách làm, mà quan trọng hơn cần dân chủ hóa mạnh mẽ trong công tác quản trị, tạo môi trường để giáo viên, nhân viên phát huy năng lực, tiếng nói của mình. Khi mọi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường đều có tiếng nói và mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, đều tăng cường tính tự chủ thì công cuộc đổi mới quản trị trường học theo đó mới thực sự hiệu quả.

(Theo giaoducthoidai.vn)

 

 

 

 

.
.
.