Thứ Sáu, 23/09/2022, 16:00 (GMT+7)
.

Giữ vững "mạch máu" xăng, dầu

Các cửa hàng xăng, dầu trên huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đều hết sạch xăng từ mấy ngày nay. Cho đến hôm qua (22-9), nhiều người đi xe máy trên đảo Phú Quý phải dắt bộ đi tìm nơi đổ xăng, nhưng đến cửa hàng nào cũng treo biển thông báo hết xăng. Lý do được giải thích là đầu mối trong đất liền bán không đủ lượng xăng đăng ký nên không đủ nguồn cung.

Thời gian qua, giá xăng, dầu trên thế giới diễn biến phức tạp, có lúc tăng lên rất cao nên hệ thống cung ứng xăng, dầu trong nước có những biểu hiện chệch choạc, không ít cửa hàng ở các địa phương ngưng bán, bán nhỏ giọt. Một số cây xăng ở các tỉnh như Bình Phước, Lâm Đồng... đã bị xử phạt vì cố tình găm hàng để chờ điều chỉnh giá. Thế nhưng, cũng có nhiều cửa hàng xăng, dầu khi đoàn kiểm tra tới, đúng là trong bể chứa không còn xăng.

Hiện nay, nhờ hai tổ hợp lọc hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn, nước ta đã tự chủ được 75 - 80% nhu cầu xăng, dầu thành phẩm. Như vậy, lượng xăng, dầu phải nhập khẩu chỉ còn khoảng 20 - 25% và Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải nhập đủ. Do đó, nhìn trên bình diện tổng nguồn cung, việc các cây xăng thiếu xăng để bán là điều không hợp lý.

Cửa hàng xăng dầu: Ảnh minh họa TTXVN
Cửa hàng xăng dầu: Ảnh minh họa TTXVN

Tuy nhiên, cơ chế quản lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu vẫn còn những điểm có thể tạo ra rủi ro. Ấy là hiện cả nước có hơn 30 doanh nghiệp đầu mối để nhập khẩu xăng, dầu và khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ. Trong đó, bên cạnh các cửa hàng thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối lớn như Petrolimex, PV Oil... thì có một phần khá lớn cây xăng là của doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ. Kinh doanh xăng, dầu là lĩnh vực đặc thù nên cơ quan quản lý nhà nước đã quy định giá trần. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ chỉ chủ yếu hưởng lợi nhuận từ mức chiết khấu mà các doanh nghiệp đầu mối chia lại cho mình.

Thế nhưng thời gian qua, theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu nhỏ lẻ thì mức chiết khấu mà doanh nghiệp đầu mối dành cho họ là quá thấp, chỉ 50 - 100 đồng/lít xăng, thậm chí có thời điểm chiết khấu bằng 0. Trong khi tổng chi phí từ vận chuyển, trả lương, vận hành cửa hàng là hơn 1.100 đồng đến hơn 1.300 đồng/lít đối với từng mặt hàng xăng, dầu. Với hoàn cảnh đó, doanh nghiệp nhỏ lẻ càng kinh doanh xăng, dầu càng thua lỗ. Hơn nữa, theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ luôn ở thế yếu khi chỉ được nhập hàng từ một doanh nghiệp đầu mối và cũng không dễ dàng thay đổi, vì vậy, khả năng bị chèn ép là rất cao.  

Trong kinh tế thị trường, lợi nhuận là yếu tố sống còn để một doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển bền vững. Nếu lợi nhuận của doanh nghiệp không bảo đảm thì cũng giống như một người bị bịt dưỡng khí. Vì vậy, cùng với việc tăng cường kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận, cố tình “găm” xăng, dầu để chờ mức giá cao hơn thì cơ quan quản lý nhà nước cũng cần hết sức lắng nghe, cảm thông với doanh nghiệp. Cần thận trọng xem xét, từ đó tính đúng, tính đủ chi phí vận hành, mức lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối, có cơ chế để buộc các doanh nghiệp đầu mối phải chia sẻ mức chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu. Cũng nên nghiên cứu cho phép doanh nghiệp bán lẻ có thể nhập hàng từ nhiều đầu mối để tránh bị chèn ép.

Thời gian tới, tình hình cung ứng xăng, dầu trên thế giới vẫn còn những diễn biến phức tạp. Do đó, việc cơ quan quản lý chủ động tìm hiểu, phân tích để đề ra các phương thức quản lý thị trường xăng, dầu cho phù hợp với điều kiện đặc biệt hiện nay là rất cần thiết, giúp bảo đảm giữ vững “mạch máu” xăng, dầu.

(Theo www.qdnd.vn)

 

 

 

.
.
.