Thứ Tư, 28/09/2022, 13:59 (GMT+7)
.

Lộ trình của tài năng

Cách đây 5 năm, các biên tập viên tờ The Guardian (Anh) phối hợp với một số nhà chuyên môn và các đồng nghiệp lên danh sách “Thế hệ kế tiếp 2017”, thời điểm một loạt ngôi sao lớn của thế giới đương đại như Ronaldo, Messi, Benzema, Mordic… đã bước qua tuổi 30, tức bên kia sườn dốc sự nghiệp.

Tố chất tài năng của Erling Haaland là không thể phủ nhận.
Tố chất tài năng của Erling Haaland là không thể phủ nhận.

Có tổng cộng 80 tài năng trẻ sinh trong khoảng thời gian 2000-2001 được đưa vào danh sách. Erling Haaland là một trong số đó dù có khá ít người chọn anh. Thời điểm đó, Haaland bị cho là quá cao và gầy. Nhưng rõ ràng, tố chất tài năng của anh là không thể phủ nhận.

Có đến 60 cầu thủ trong danh sách này đã khẳng định được tên tuổi, ví dụ Vinicius (Real Madrid), Alphonso Davis (B.Munich), Sancho (Man.United), Ferran Torres… và 22 người trong số này đang là tuyển thủ quốc gia. Cầu thủ có số trận đấu quốc tế đáng kinh ngạc nhất là Ivan Ilic, tuyển thủ Serbia, đã chơi 85 trận đấu quốc tế ở giải vô địch Serbia và Serie A (trong màu áo Verona) dù anh mới 21 tuổi.

Nhìn chung, theo đánh giá của The Guardian, cầu thủ bây giờ phát lộ tài năng khá sớm và họ đủ khả năng để được trao cơ hội thi đấu dù chỉ là U20. Không có một giới hạn nào về tuổi tác, nhiều cầu thủ trong thế hệ 2017 đã ra nước ngoài thi đấu mà không lo lắng gì về kinh nghiệm. Jason Sancho khởi đầu sự nghiệp của mình tại Đức trước khi về nước để đá cho Man.United, là ví dụ điển hình.

Bóng đá thế giới đang vận hành như vậy, còn Việt Nam thì sao? Tổng số trận đấu V-League của 6 cầu thủ U23 được HLV Park Hang-seo sử dụng trong trận thắng Singapore vừa qua không bằng số trận đấu của một mình Nguyễn Quang Hải khi cầu thủ này đến 23 tuổi. Đội tuyển U20 Việt Nam vừa dự vòng loại châu Á vừa qua hầu như không ai có trải nghiệm V-League, bao gồm cả Khuất Văn Khang, người vừa ghi bàn trong màu áo đội tuyển quốc gia. Điều này hoàn toàn khác 4-5 năm trước, khi V-League tràn ngập những cầu thủ U23.

Tài không còn đợi tuổi. Tầm 21-23 tuổi mà còn không đưa ra sân đá V-League thực sự là quá trễ. Giải pháp đưa họ xuống đá giải hạng nhất là sai lầm và kéo lùi tài năng hơn là giúp tích lũy kinh nghiệm nhờ được thi đấu nhiều. Không giống như trước, nhờ áp dụng công nghệ, hoàn toàn có thể đánh giá sự phát triển tài năng của cầu thủ ngay từ 18-19 tuổi. Tại U20 World Cup 2017, Nguyễn Quang Hải không phải là cầu thủ nổi bật nhất nhưng chỉ sau 1 năm, anh lại là trụ cột của U23, đội tuyển và CLB Hà Nội. 20 tuổi đã ở đỉnh cao tài năng, 24 tuổi đã đủ sức ra nước ngoài thi đấu. Nếu không tạo cơ hội cho Quang Hải từ lúc 17 tuổi thì làm sao có tài năng lớn như bây giờ.

Liệu có vô lý nếu như một Khuất Văn Khang, đội trưởng của U20 Việt Nam, tuyển thủ U23 và đội tuyển quốc gia lại chỉ mới vừa được Viettel đưa vào danh sách thi đấu ở giai đoạn 2 V-League 2022?

(Theo thethao.sggp.org.vn)


 

.
.
.