Thứ Sáu, 28/10/2022, 10:07 (GMT+7)
.

Áp lực đè nặng doanh nghiệp

(ABO) Theo dõi dòng thời sự chủ lưu trong những ngày gần đây mới thấy sức nặng đang đè lên khối doanh nghiệp ngày càng lớn dần.

Điều này có thể bắt đầu từ chính những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất như giá xăng dầu duy trì ở mức cao trong thời gian dài, chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu tăng cao, mới đây nhất là thông tin được bắt nguồn từ chiều hướng gia tăng lãi suất ngân hàng. Chưa kể, các chi phí khác như nhân công lao động, giá vật tư, nguyên liệu… cũng nằm trên đà tăng lên.

Tổng hòa các yếu tố đầu vào của một chu kỳ sản xuất cho thấy, đà tăng chi phí đang có chiều hướng lấn át. Điều này dẫn đến hệ lụy là áp lực cạnh tranh sản phẩm ngày càng khốc liệt hơn và tất nhiên lợi nhuận rất khó đạt được như mong muốn. Có chăng là mỗi doanh nghiệp đang cố gắng xoay xở để ổn định sản xuất, kinh doanh trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn đang chực chờ trước mắt.

Áp lực đang đè nặng doanh nghiệp.
Áp lực đang đè nặng doanh nghiệp.

Ngay sau khi thông tin xu hướng điều chỉnh lãi suất cho vay của các ngân hàng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trao đổi với phóng viên, tổng giám đốc một doanh nghiệp có quy mô khá lớn trong lĩnh vực xuất khẩu của Tiền Giang nói với chúng tôi rằng, điều này sẽ mang lại áp lực lớn hơn đối với từng doanh nghiệp.

Đành rằng, ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, cũng chịu áp lực của việc tăng giá đầu vào, tức là lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên, một khi lãi suất vay tăng khoảng 1% mỗi năm, cũng đồng nghĩa lợi nhuận cũng sẽ giảm đi ở mức tương ứng trong khi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận của mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn này là không dễ dàng.

Những khía cạnh bất lợi mà nhiều người có thể dễ dàng nhìn thấy làm cho yếu tố đầu vào của chu trình sản xuất tăng như tăng giá xăng dầu, lãi vay, chi phí nhân công, vận chuyển… thật ra cũng chỉ là bề nổi của tảng băng. Bởi những góc khuất của khối doanh nghiệp hiện nay vẫn là câu hỏi lớn.

Chia sẻ với chúng tôi gần đây, giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu cho rằng, sau khoảng 2 năm càn quét của dịch Covid-19 đã cuốn đi gần hết những gì mà công ty đã tích lũy, gầy dựng trước đó hàng chục năm. Covid-19 không chỉ cuốn đi tài sản, vốn liếng mà còn mang đi lượng lớn khách hàng truyền thống sau thời gian khá dài thực hiện các giải pháp để phòng, chống dịch. Những điều này mới chính là những yếu tố cốt lõi tạo nên những bất ổn mang tính hiện hữu.

Những điểm sáng trong phục hồi kinh tế cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng cũng đã xuất hiện. Khối doanh nghiệp cũng đã trở lại guồng quay sản xuất, kinh doanh của giai đoạn trước đó nhưng chắc chắn cần một thời gian rất dài để trở lại trạng thái bình thường như trước đây.

Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra như hiện nay, nhất là những thông tin bất lợi của các yếu tố đầu vào, chắc chắn chu kỳ hồi phục của doanh nghiệp sẽ chậm hơn, gian nan hơn.

TA

.
.
.