Thứ Hai, 24/10/2022, 14:07 (GMT+7)
.

Bảo vệ sự kiến tạo vùng đất hạ lưu

Câu chuyện cát đang trở thành đề tài “nóng” ở vùng hạ lưu sông Mê Công, khi nhu cầu cần nguồn cát để chuẩn bị xây dựng các tuyến đường cao tốc trong vùng. Vụ việc khai thác cát trái phép dưới lòng đất tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vừa bị phát hiện (Báo SGGP đã phản ánh), các cơ quan chức năng Sóc Trăng đã vào cuộc. 

Theo Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng Ngô Thái Chân, sở chưa từng cấp phép đối với loại hình khai thác cát dưới lòng đất cho bất kỳ đơn vị, cá nhân hay tổ chức nào. 

Trước vụ việc này, PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng, do tình trạng thiếu cát xây dựng và san lấp, một số người đã thực hiện việc khai thác cát dưới đất tại các giồng cát chìm ven biển.

“Việc này sẽ gây ra hệ quả rất xấu cho vùng ven biển. Vì các giồng cát chạy song song với đường ven biển ở châu thổ Cửu Long là một quá trình dài kiến tạo đồng bằng. Các giồng cát, cả nổi trên mặt đất và chìm dưới mặt đất, có vai trò quan trọng trong việc ổn định bờ biển, giữ nước mưa tại các vỉa nước ngầm tầng nông, tạo nên vùng canh tác rau màu nước ngọt ven biển. Việc rút cát sẽ gây sụt lún nghiêm trọng cho vùng ven biển, sạt lở sẽ nhanh chóng và nặng hơn, vùng ven sẽ mất lớp nước ngọt ngầm quý giá, hệ sinh thái trên mặt đất bị suy kiệt, các hố khai thác cát sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho các loại ô nhiễm nước (hóa chất nông nghiệp) xuống vỉa nước ngầm. Cát bị mất sẽ vĩnh viễn không có cơ hội tái tạo. Đề nghị ngành tài nguyên và cảnh sát môi trường nhanh chóng can thiệp và xử lý triệt để, chấm dứt tệ nạn hủy hoại đất, nước này”, PGS-TS Lê Anh Tuấn bức xúc kiến nghị. 

Theo Bộ GTVT, chỉ riêng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần 18 triệu m3 cát. Hiện việc tìm đủ nguồn cát được xem là vấn đề quan trọng ảnh hưởng lớn đến tiến độ của các dự án. Hiện nay có khoảng 82 công ty được cấp phép khai thác 28 triệu tấn cát sông mỗi năm ở ĐBSCL. Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng cát khai thác thực tế rất khó để kiểm soát, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên.

Theo Bộ Xây dựng, tài nguyên cát sỏi tự nhiên của Việt Nam có thể cạn kiệt trong hơn 10 năm tới. Các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra, cát được khai thác trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: xói mòn sông, tiếp tục xói lở bờ gia tăng (khoảng 500ha/năm) đã làm ĐBSCL thay đổi hình dạng. 

Mới đây, Bộ GTVT đã đề nghị một số địa phương ở ĐBSCL hỗ trợ điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường cho các dự án cao tốc trong khu vực. Trong đó, đề nghị cho khai thác khoảng 5.000m3 cát biển để thi công thí điểm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, không nên, vì sẽ tác động đến nền tảng kiến tạo vùng ĐBSCL.

Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL: Để phát triển bền vững, những “tài sản” quan trọng cần gìn giữ ở vùng ĐBSCL là sức khỏe của đất đai, sông ngòi, thủy sản và nét văn hóa sông nước. Lấy nguồn cát này là lấy đi nền tảng đã kiến tạo nên vùng đồng bằng này. 

Do đặc thù kiến tạo châu thổ miền Tây là từ cát và phù sa, nên việc xây dựng hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông, khiến chi phí đội cao hơn các vùng miền khác trong cả nước. Việc tìm nguồn vật liệu phục vụ các công trình trọng điểm trong vùng là cấp bách, nhưng việc khai thác cát cần cẩn trọng để tránh gây những “tổn thương” đến quá trình kiến tạo châu thổ ĐBSCL.

Theo sggp.org.vn


 

 

.
.
.