Thứ Sáu, 21/10/2022, 08:31 (GMT+7)
.

Nền hành chính kiến tạo

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh rằng: “Không để lãng phí thời gian, công sức vì thủ tục hành chính, vì sự tắc trách, quan liêu của người thi hành công vụ”.

Trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, chỉ đạo quyết liệt về công tác cải cách hành chính (CCHC), trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính (TTHC); đã hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận và giải quyết các TTHC... Nhờ đó, việc giải quyết các TTHC đã được cải thiện.
Người dân nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính.Ảnh:TTXVN.
Người dân nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính.Ảnh:TTXVN.

Tuy nhiên, TTHC vẫn còn làm khổ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và từng người dân, làm lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức, cơ hội. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì có nguyên nhân chủ quan đến từ sự tắc trách, quan liêu, né trách nhiệm, đẩy trách nhiệm và có cả sự nhũng nhiễu, tư lợi của những cơ quan, của những cán bộ thực thi công vụ.

Trong cuộc giao ban tại bộ nọ vừa diễn ra, khi lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo những vướng mắc, lúng túng trong thực hiện TTHC của một dự án, lãnh đạo cục quản lý trong lĩnh vực ấy liền lớn tiếng phê bình doanh nghiệp vì không nắm rõ được văn bản có nội dung liên quan của một bộ khác. Đồng chí bộ trưởng liền ngắt lời lãnh đạo cục và nhấn mạnh rằng: “Đó là lĩnh vực quản lý của bộ ta, các cơ quan thuộc bộ phải có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích cho doanh nghiệp, trên tinh thần đồng hành với doanh nghiệp. Không nên bắt doanh nghiệp tự bơi, tự mày mò văn bản quy định, cách thức thực hiện”. Đồng thời, đồng chí bộ trưởng chỉ đạo cục nọ khẩn trương ra văn bản hướng dẫn và ấn định thời gian phải hoàn thành.

Những chỉ đạo đó của đồng chí bộ trưởng đối với cơ quan thuộc quyền rất đúng đắn. Nền hành chính của chúng ta phải đóng góp tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng Chính phủ kiến tạo đã được đẩy mạnh trong suốt những năm qua.

Nền hành chính kiến tạo không dừng lại ở việc đồng ý hay không đồng ý thông qua các thủ tục, mà nó phải chủ động rà soát, tạo ra thủ tục đơn giản, dự đoán trước được những gì sẽ xảy ra, từ đó phải có các văn bản hướng dẫn một cách chuẩn mực, cụ thể, rõ ràng, tỉ mỉ để doanh nghiệp hay người dân ở trình độ phổ thông cũng có thể dễ dàng hiểu và thực hiện. Hiện nay, còn có tình trạng do thiếu hướng dẫn cụ thể nên để giải quyết một công việc thì mỗi cơ quan, đơn vị lại hiểu theo cách khác nhau, dẫn đến lúng túng. Đây lại chính là cơ hội cho sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất.

Để CCHC, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, với các dịch vụ số cần phải được tiến hành thực chất hơn nữa. Các dịch vụ công cần phải được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử một cách dễ dàng, thuận tiện, chứ không phức tạp như hiện nay.

Cần tránh để xảy ra tình trạng thực hiện dịch vụ công trực tuyến mà người dân vẫn phải đến tận trụ sở công quyền, viết các tờ khai để công chức nhập thông tin vào máy. Bởi như vậy, người dân vẫn phải gặp trực tiếp công chức, nhũng nhiễu vẫn có thể xảy ra. Các cơ quan công quyền có thể tham khảo cách các công ty công nghệ tạo ra dịch vụ trên điện thoại thông minh, hầu hết các dịch vụ đó đều rất phức tạp, nhưng để đăng ký sử dụng thì lại đơn giản, gần như toàn bộ người dân đều có thể tự tải, tự đăng ký và sử dụng.

Trong một nền hành chính kiến tạo thì ở đó từng cơ quan cho tới mỗi cán bộ, công chức phải ý thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình, thực sự coi việc giải quyết việc của người dân, doanh nghiệp là việc của mình, từ đó khi đưa ra các quy trình, TTHC phải hết sức cân nhắc, luôn có tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ và kịp thời tham mưu điều chỉnh với những thủ tục bất hợp lý.

(Theo www.qdnd.vn)

 

.
.
.