Chủ Nhật, 02/10/2022, 11:31 (GMT+7)
.
Vụ rau VietGAP dỏm vào siêu thị:

Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng

Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng, nếu không lưu tâm chất lượng sẽ mất tất cả uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, doanh nhân.

Mới đây, loạt bài phóng sự điều tra của báo Tuổi Trẻ phanh phui việc rau VietGAP dỏm “biến hình” vào siêu thị và việc Bách Hóa Xanh tiêu thụ hàng Trung Quốc đã được thay đổi bao bì, nhãn mác thành hàng Việt Nam và dán tem chứng nhận VietGAP đã làm dư luận dậy sóngg.

Tại cuộc họp báo ngày 22/9 vừa qua, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết: “Sự việc một số chuỗi siêu thị, cửa hàng bị phanh phui thực phẩm giả danh VietGAP vừa qua là “hết sức nhạy cảm”. Việc “đội lốt” VietGAP là sai, song tất cả cần chờ kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm của cơ quan chức năng”.

a
Đoàn kiểm tra liên ngành của TP.HCM gồm Cục Quản lý thị trường, Ban Quản lý an toàn thực phẩm... vào cuộc vụ rau VietGAP dỏm "biến hình" vào siêu thị. Ảnh minh họa: IT

Song song, các hệ thống phân phối đã đồng loạt có động thái xin lỗi người tiêu dùng, rút hàng của nhà cung cấp Trình Nhi, HugoFarm, Đông A bán tại siêu thị, cửa hàng. Một doanh nghiệp cho hay sẽ phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ các hành vi đánh tráo, gian lận nhãn hiệu và hàng hóa của đối tác cung cấp.

Tuy nhiên, qua sự việc này cho thấy thị trường thực phẩm hiện nay giống như một cánh đồng, xen cài giữa lúa và cỏ dại. Hễ liên quan đến lợi nhuận thì có thể có sự núp bóng gian lận.

Vấn đề ở đây là sự giả mạo chuẩn VietGAP để vào được các chuỗi phân phối hiện đại. Nếu đã làm ăn gian dối thì sẽ không chừa siêu thị nào. Hãy nhớ, người tiêu dùng chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn hơn gấp hàng chục lần “rau chợ” để bảo vệ sức khỏe. Nhưng cuối cùng cái nhận lại vẫn là sự giả dối. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trong sự việc này?

Điều đó cũng đặt ra câu hỏi, vậy thực sự có một quy trình kiểm tra, thanh tra nào đã được diễn ra hàng tháng như lời các đơn vị phân phối hàng hóa? Hay chăng, nếu không có sự phanh phui và vào cuộc của báo chí thì liệu người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị lừa dối?

Nhân đây, xin dẫn ra một con số để chúng ta thấy vấn đề nghiêm trọng đến mức nào. Đó là, cuối tháng 8/2022, những con số đáng báo động về tỷ lệ ung thư của Việt Nam lại khiến giới chuyên gia không thể ngồi yên. Theo đó, tỷ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), tỷ lệ tử vong tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận của năm 2018.

Như vậy cũng có nghĩa, cứ 100.000 người Việt Nam thì có 159 người được chẩn đoán mới mắc ung thư và 106 người tử vong. Mà một trong những tác nhân đã được cảnh báo rất nhiều lần là do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học quá nhiều trong rau củ quả nói riêng và thực phẩm nói chung. Và chiếu theo đó, những thực phẩm “đội lốt” trên không thể vô can trong những con số ung thư “nhảy múa” đáng báo động này.

Theo đó, nghiêm trọng hơn, đây chính là vấn đề đạo đức, văn hóa trong kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân. Khi mà trong xã hội thông tin – tri thức, văn hóa được đề cao và thực sự trở thành nguồn lực quan trọng có tính chất quyết định đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Văn hóa đạo đức không chỉ là nguồn tài sản vô hình của doanh nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng tạo dựng môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế trên cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm mà còn bằng uy tín, thương hiệu và đạo đức kinh doanh.

Ấy ậy mà, một bộ phận doanh nghiệp dường như vẫn chưa chú ý đến sự cần thiết và tất yếu của đạo đức kinh doanh. Với mong muốn đạt được lợi nhuận trong thời gian càng sớm càng tốt, không ít doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “chộp giật”, “ăn xổi”, dẫn tới hiện tượng làm hàng giả khá phổ biến trên thị trường. Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng.

Xác định được tầm quan trọng của đạo đức kinh doanh chính là linh hồn của doanh nghiệp, quyết định sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, doanh nhân. Cách đây không lâu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bốvà phát động thực hiện Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam trong cộng đồng doanh nhân toàn quốc.

Bộ quy tắc gồm 6 điều, hướng tới mục đích nâng cao nhận thức của các doanh nhân về đạo đức; lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hóa kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, góp phần thực hiện chủ trương mà Đảng, Nhà nước đề ra về xây dựng ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao. Cùng đó, củng cố niềm tin, tăng sự ủng hộ của xã hội đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Điều này cũng có nghĩa, bản thân doanh nhân cần cả đạo đức và văn hóa để xây dựng doanh nghiệp, trong đó có tiêu chuẩn về thượng tôn pháp luật. Vì thế, đến lúc các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm, quản lý lý thị trường phải có trách nhiệm vào cuộc, chủ động bảo vệ người tiêu dùng chứ không thể chỉ hô hào người dân làm “người tiêu dùng thông thái”.

(Theo enternews.vn)

.
.
.