Xăng dầu có bị thao túng giá?
Cây xăng đóng cửa đã bất thường. Liệu rằng, chuỗi cung ứng xăng dầu trong nước đang bị thao túng giá?
Để ổn định thị trường sau những bất ổn, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan để tháo gỡ những "nút thắt" cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa: BizLive |
Liên quan đến tình trạng khan hiếm xăng thời gian qua, Bộ Công Thương đã tuyên bố nguồn cung đã khá ổn định thì trên thị trường những ngày qua, tình trạng “hết xăng, còn dầu” hoặc bán giới hạn tiếp tục tái diễn tại một số cây xăng tại miền Nam.
Ngay tại TP.HCM, nhiều người dân vẫn phải đi qua 2 - 3 cây xăng mới đổ được bình xăng tại Q.12, Bình Tân, Gò Vấp… Ngoài các cây xăng thuộc hệ thống doanh nghiệp tư nhân, ngay cây xăng của doanh nghiệp nhượng quyền từ Petrolimex cũng báo hết xăng bán.
Trước tình trạng hết xăng vẫn tiếp tục diễn ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong cuộc làm việc tại TP.HCM mới đây tiếp tục nhấn mạnh lúc cao điểm chỉ trên 200 cây xăng không hoạt động, chiếm hơn 1% cây xăng, sao gọi là khủng hoảng hệ thống phân phối cả nước.
Như vậy cũng có nghĩa, cung không thiếu, thậm chí là dư thừa, do đó có thể công tác phân phối xăng dầu đến các điểm bán lẻ đã xảy ra vấn đề, nên mới dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tại nhiều nơi trên cả nước như vừa qua.
Có ý kiến cho rằng công tác phân phối bị nghẽn là do cách điều hành giá bán xăng dầu không còn theo kịp biến động thị trường. Cụ thể, theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thì thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối khi bán xăng dầu ra với giá bán buôn không được cao hơn giá bán lẻ do cơ quan Nhà nước công bố.
Có điều, vấn đề không phải là cách gọi như Bộ trưởng Công Thương gọi, mà vì “hơn 1%” này tập trung ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam nên mức độ ảnh hưởng rất lớn. Chỉ một cây xăng đóng cửa đã khiến cả khu phố đảo lộn, đằng này lúc đỉnh điểm có 1/5 cây xăng ở TP 10 triệu dân ngưng bán khiến hàng vạn người bị ảnh hưởng.
Doanh nghiệp khó khăn do thua lỗ triền miên là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua - Ảnh minh họa: VTV |
Với những mặt hàng khác, việc ngưng cung ứng 5-10% chưa hẳn tác động đến thị trường. Nhưng với xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, không thể thay thế nên hơn 1% cây xăng được thống kê không hoạt động là quá lớn. Nhất là khi số lượng cây xăng ngưng bán tập trung tại một số tỉnh thành khiến lượng người bị tác động tăng gấp bội.
Càng bất thường hơn là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Quốc hội rằng trong các nguyên nhân của khủng hoảng vừa qua, có nguyên cớ ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam “có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả”. Việc triệt phá những vụ xăng giả được Bộ trưởng nói rằng chỉ là “tảng băng nổi thôi”.
Vậy còn “tảng băng chìm” kia lớn bao nhiêu? Sao để người dân phải lo khi không biết đâu là xăng thật, đâu là xăng giả? Và việc để tình trạng có xăng dầu lậu, giả này xảy ra là trách nhiệm của ai, của ngành nào?
Thành thử, “cơn khát” xăng vừa qua đã làm lộ ra những đứt gãy vốn bị che đậy khi thị trường không biến động. Đó là có quá nhiều hệ thống thương nhân phân phối xăng dầu, lấy được hàng từ nhiều đầu mối nhưng khi khó khăn lại không thể lấy hoặc không muốn lấy từ đầu mối.
Liệu rằng, chuỗi cung ứng xăng dầu trong nước đang bị thao túng giá? Tại Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, thì trong khi các thương nhân, đầu mối được mua xăng dầu ở nhiều nơi khác nhau, thì các đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng làm đại lý, mua và bán xăng cho một tổng đại lý, thương nhân phân phối duy nhất.
Quy định trên đã vô tình tạo ra sự độc quyền chuỗi cung ứng, tạo kẽ hở cho hành vi ép giá các nhà bán lẻ của các nhà đầu mối. Các thương nhân phân phối có thể lợi dụng thế độc quyền để “kê khống” chi phí, từ đó nâng mức giá thành lên cao để nâng giá bán buôn và đẩy mọi gánh nặng lên vai các nhà bán lẻ.
Việc này cũng xuất phát từ bất cập quy định giá bán lẻ kể trên, bởi khi giá không thể biến động theo cung cầu tự nhiên thì miếng bánh lợi nhuận sẽ luôn có hạn, nên để mình không bị thiệt các doanh nghiệp đành phải hy sinh lợi ích của nhau.
Tuy nhiên, dù là trường hợp nào trong hai trường hợp kể trên thì thực tế nguyên nhân cũng là do cách điều hành còn bất cập nên mới dẫn tới việc các doanh nghiệp không thể kiếm được lợi nhuận từ việc kinh doanh, từ đó làm phát sinh những bất ổn trên thị trường.
Hiển nhiên, việc kinh doanh một mặt hàng nhạy cảm là xăng dầu thì các doanh nghiệp đôi lúc cũng cần phải chia sẻ gánh nặng với khách hàng. Nếu nguyên nhân thua lỗ đến từ nguyên lý cung cầu thị trường thì doanh nghiệp còn dễ chấp nhận được.
Nhưng nếu nguyên nhân xuất phát từ sự cứng nhắc của chính sách hoặc từ thao túng, ép giá thì sẽ là một điều bất công đối với các nhà bán lẻ. Việc họ hành động bất chấp rủi ro để đóng cửa những ngày qua đã phần nào cho thấy sự bất mãn của doanh nghiệp đối với tình hình hiện nay.
Theo enternews.vn