Chủ Nhật, 20/11/2022, 20:13 (GMT+7)
.

Dạy và học Ngữ văn trong thời đại công nghệ thông tin

(ABO) Ngữ văn là một môn học có vai trò quan trọng trong việc trau dồi tư tưởng, tình cảm cho học sinh. Thông qua bộ môn cùng với sự truyền thụ của người thầy, các em sẽ lĩnh hội được nhiều cái hay, cái đẹp ở mỗi tác phẩm văn học. Để học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp ấy thì người giáo viên phải lựa chọn cho mình một cách truyền thụ sao cho có hiệu quả nhất. Một trong những lựa chọn đó chính là ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. 
 
Trong nhà trường phổ thông hiện nay, việc dạy và học văn đã khác trước. Dưới tác động không nhỏ của khoa học công nghệ, muốn đạt được hiệu quả cao trong công tác giảng dạy và cuốn hút học sinh, giáo viên phải không ngừng thay đổi phương pháp giảng dạy trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.
 
Việc sử dụng các phương tiện hỗ trợ trên cơ sở ứng dụng các tiện ích của công nghệ thông tin đã giúp thầy và trò khai thác các kênh hình, tư liệu liên quan đến tác phẩm văn học, giúp giờ học trở nên sinh động, lý thú và hấp dẫn.
 
Đặc biệt, việc tích hợp văn học với các môn khoa học khác đã giúp người học mở rộng địa bàn tri thức, coi đó là cách để hiểu sâu hơn tác phẩm văn học giữa dòng chảy của lịch sử xã hội. Đặc biệt, thầy và trò còn kết hợp tổ chức sân khấu hóa khi các tác phẩm văn học đã tạo sức hút cho giờ học; đồng thời, góp phần không nhỏ đưa tác phẩm văn học đến gần với sân khấu, điện ảnh.
 
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và  học Ngữ Văn, ảnh chụp Trường THPT Chợ Gạo. (Ảnh ĐỖ PHI)
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học Ngữ văn (ảnh chụp: Trường THPT Chợ Gạo). Ảnh: ĐỖ PHI
Tuy nhiên, việc dạy văn hiện nay cũng đứng trước không ít thử thách dưới tác động của thời đại công nghệ 4.0. Đầu tiên là văn hóa đọc bị mai một, các trò chơi điện tử (game) và các tiện ích như chát qua Zalo, Facebook, nhắn tin điện thoại... cùng với việc truy cập phim ảnh nhanh, hay, hấp dẫn đôi khi lấn át việc đọc tác phẩm văn học. Sự có sẵn tư liệu, văn mẫu, bài giảng mẫu trên các trang điện tử tuy tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, nhưng cũng hạn chế sự sáng tạo, tư duy độc lập của các em khi học, viết văn.
 
Vậy giáo viên cần làm gì để nâng chất giờ dạy của mình? Theo tôi, đầu tiên giáo viên cần triệt để tận dụng các tiện ích của công nghệ thông tin trong giờ dạy nhưng không lạm dụng.
 
Thứ hai, cần khuyến khích sự sáng tạo của học sinh trên cơ sở đa dạng các hình thức kiểm tra thường xuyên như: Sưu tầm tư liệu có liên quan đến bài học (trên cơ sở đó sẽ thuyết trình trước lớp), đi thực tế đến các địa danh lịch sử ở địa phương (áp dụng trong chương trình Ngữ văn năm 2018), sân khấu hóa một số tác phẩm… Khiến mỗi tác phẩm là một chân trời sáng tạo cho các em, giờ học sẽ không nhàm chán. Thứ ba là lồng ghép với các bộ môn khác trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
 
Mặt khác, để tạo sự hứng thú cho học sinh đầu tiết học, hoặc thay đổi không khí sinh động khi kiểm tra bài cũ, giáo viên cũng có thể dùng hình thức trò chơi ô chữ để khởi động, tạo tâm thế hoặc củng cố lại sau bài học, giúp học sinh có ấn tượng tốt và khắc sâu kiến thức.
 
Ngoài ra, giáo viên có thể dùng bản đồ tư duy để tóm tắt tác phẩm theo nội dung bài học, nhất là những bài Văn học sử (giai đoạn văn học, tác giả văn học…). Dung lượng kiến thức mỗi tiết này rất dài và có độ khái quát rất lớn.
 
Hơn nữa, các tác phẩm Văn học cũng được sân khấu hóa, do đó khi dạy giáo viên có thể cho học sinh xem những đoạn phim về tác phẩm sẽ khắc sâu nội dung bài học. Hoặc giáo viên cho các em xem các đoạn clip để giáo dục kỹ năng sống cũng rất hiệu quả.
 
Tóm lại, để việc dạy Ngữ văn đạt hiệu quả trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, giáo viên cần đa dạng hình thức truyền thụ kiến thức cho học sinh, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là yếu tố hàng đầu, then chốt quyết định thành công của mỗi tiết dạy.
 
TRƯƠNG THỊ CHÂU MINH
(Giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo)
 
.
.
.