Nhiều thông tin tốt cho trái cây
(ABO) Ngoài sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gần đây có nhiều thông tin lạc quan hơn đối với nhóm nông sản chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Mới đây thông tin bưởi da xanh chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ, trước đó là chuối tươi cũng chính thức xuất sang thị trường đông dân nhất thế giới bằng đường chính ngạch thông qua nghị định thư vừa được ký kết.
Nếu lùi lại trước ít thời gian thì nhiều loại nông sản khác cũng đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch như vải, nhãn, chôm chôm... Đó được xem là bước tiến mới cho ngành Nông nghiệp nói chung và ngành hàng trái cây nói riêng, trong đó có nhiều sản phẩm chủ lực của Tiền Giang.
Nếu nhìn trên bức tranh tổng thể, diện tích trồng cây ăn trái của cả nước nói chung, của khu vực ĐBSCL nói riêng còn khá lớn, diện tích trồng tăng liên tục và là sinh kế của rất nhiều nông hộ nên khi có bất kỳ thông tin nào liên quan đến nông nghiệp nói chung hay căn ăn trái nói riêng cũng được quan tâm của rất nhiều người.
Thông tin bưởi da xanh xuất khẩu chính ngạch mở thêm hy vọng cho người nông dân. |
Bởi, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có khoảng 1,13 triệu ha cây ăn trái, riêng các tỉnh vùng ĐBSCL có 377.700 ha, chiếm hơn 33% so với cả nước. Cây ăn trái ở ĐBSCL được trồng khá đa dạng, mùa nào cũng có thu hoạch; trong đó, các đối tượng cây trồng chủ lực như sầu riêng, thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, cam, mít, chuối, chanh… được nông dân đẩy mạnh đầu tư sản xuất và đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Thực tế cũng cho thấy rằng, diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL tăng liên tục từ năm 2010 đến nay. Nếu như năm 2010, diện tích cây ăn trái toàn vùng là 287.300 ha, đến năm nay là 377.700 ha, tăng 90.400 ha. Nhiều loại cây tăng mạnh về diện tích như thanh long, sầu riêng, khóm, xoài, chuối, bưởi, mít thái, chôm chôm…, chứng tỏ cây ăn trái đang là lợi thế để người dân chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái.
Nằm trong bức tranh chung, diện tích trồng cây ăn trái của Tiền Giang cũng tăng khá nhanh trong 5 năm gần đây. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến cuối năm 2021, tổng diện tích cây ăn trái hiện có của tỉnh Tiền Giang đạt khoảng 82.766 ha, trong đó có 62.997 ha cho sản phẩm, sản lượng trái cây năm 2021 gần 1,6 triệu tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ và tăng khoảng 12.000 ha so với năm 2015.
Đặc biệt, thời gian qua ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với sản lượng lớn, cung cấp cho thị trường như: Vùng sầu riêng xấp xỉ 13.000 ha, thanh long hơn 9.200 ha, mít hơn 10.000 ha...
Thông tin bưởi da xanh chuẩn bị xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ xuất hiện gần đây chắc chắn mở ra một cơ hội mới cho người nông dân đã bao năm gắn bó với loại trái cây đặc sản này. Trên thực tế, bưởi da xanh cũng là một trong những loại trái cây có diện tích trồng tăng khá nhanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian ngắn gần đây.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tính đến thời điểm hiện nay diện tích trồng bưởi da xanh cũng đã xấp xỉ 5.000 ha, chỉ đứng sau sầu riêng, thanh long, mít. Thời gian qua, bưởi da xanh cũng đã góp phần mang lại thu nhập khá cho người nông dân.
Tuy nhiên, nếu nhìn trên bức tranh tổng thể hơn, cơ hội đối với bưởi da xanh nói riêng, trái cây nói chung cũng chỉ được hiện thực hóa khi đã được chuẩn hóa trong quy trình sản xuất. Tư duy sản xuất có thay đổi thì cơ hội mới được nắm bắt.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói rằng, phải thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi quy trình canh tác, không đi buôn chuyến nữa mà xuất khẩu chính ngạch. Đó là sự thay đổi cần thiết. Và tất nhiên, đó là con đường phải đi đối với nông sản Việt.
TA