Thứ Bảy, 12/11/2022, 08:41 (GMT+7)
.

Thách thức nghề cao quí!

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) đang đến gần, cả dân tộc ta đang hướng đến và dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho thầy cô. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, câu chuyện về một hiệu trưởng quỳ gối xin lỗi trước một phụ huynh đang được dư luận và xã hội đặc biệt quan tâm...

a
Thầy giáo quân hàm xanh đang miệt mài truyền thụ con chữ cho đồng bào.

Câu chuyện xảy ra tại trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh - nơi thầy Phan Đình Thống, Hiệu trưởng phải quì xuống xin lỗi phụ huynh học sinh vì lý do đã nêu tên học sinh trên loa khi chưa đóng bảo hiểm y tế. Vì chỉ muốn trường mình không mất điểm thi đua mà đôn đốc nhắc nhở để hoàn thành việc thu tiền bảo hiểm y tế.

Xung quanh câu chuyện này, sáng 07/11, ông Hồ Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, liên quan đến vụ việc trên, hiện cơ quan điều tra đã làm các thủ tục tố tụng, khởi tố bị can. “Còn thầy Phan Đình Thống đã vi phạm quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong nhà trường, quy định của viên chức, công chức. Huyện đang phối hợp với Phòng Giáo dục – Đào tạo để có các biện pháp xử lý hành chính, đảm bảo các quy định của pháp luật. Hiện thầy Thống đã làm kiểm điểm, bước đầu để tự nhận hình thức xử lý, nhưng cách xử lý như thế nào thì cơ quan chức năng sẽ áp dụng các điều khoản cụ thể” - ông Sơn nói.

Ông Hồ Thái Sơn cũng cho rằng: “Huyện chỉ đạo ngành giáo dục tập trung thu để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, nhưng không phải thu bằng mọi cách. Nếu mình không chỉ đạo thu bảo hiểm, khi học sinh xảy ra việc gì thì trách nhiệm của các cơ quan khi không hoàn thành nhiệm vụ. Các thông tư liên bộ, Nghị định, Luật Bảo hiểm xã hội, các văn bản quy định rõ thu Bảo hiểm Y tế bắt buộc là trách nhiệm của ngành giáo dục. Đối với Bảo hiểm Y tế thì giao cho ngành giáo dục thu”.

Trong khi đó, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hương Sơn - ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, thầy Phan Đình Thống đã vi phạm Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ GD-ĐT quy định về quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. “Cách ứng xử của thầy Thống là rất đáng tiếc, không nên và không đáng xảy ra trong trường học. Đây cũng là bài học cho tất cả các cán bộ quản lý trong xử lý công việc, trong thực hiện” - ông Nguyễn Trường Giang nói.

Đúng sai của câu chuyện này để cơ quan chức năng phân giải, còn chuyện mà dư luận đặc biệt quan tâm là đạo đức, là truyền thống đạo lý “tôn sư trọng đạo”, “nghề cao quí”, điều này rất thiêng liêng đối với người Việt Nam.

Thầy có thể bị chỉ trích, thậm chí là bị kỷ luật. Nhưng phải quỳ trước mặt phụ huynh thì quả là điều quá sức tưởng tượng của người làm thầy. Mà chính thầy đã phải thốt lên rằng “tôi xấu hổ, nhục nhã”. Không xấu hổ, nhục nhã sao được, khi đường đường là một hiệu trưởng, lại phải quỳ gối trước một phụ huynh.

Cho dù có biện bạch bằng bất cứ lý do gì thì cách ứng xử thô thiển, đầy bạo lực của phụ huynh này đối với thầy giáo của con mình cũng là hành vi quá khích, vi phạm nghiêm trọng đạo đức và pháp luật.    

Thầy giáo phải quỳ để xin lỗi. Chắc chắn không phải vì “hèn”. Vì khi phải đối mặt với những bộ mặt dữ tợn, “nói chuyện” bằng bạo lực. Họ phải lựa chọn cho mình cách an toàn nhất khi không còn cách nào khác để phản kháng.

Chúng ta nghĩ gì khi người thầy đã bất lực. Họ đã bất lực vì thiếu cơ chế bảo vệ nhà giáo từ đạo đức đến luật pháp và xã hội. Chúng ta cần biết rằng thầy - trò - phụ huynh là một quan hệ thiêng liêng thuộc phạm trù đạo đức về quy tắc ứng xử với những người là thầy giáo, cô giáo của con mình.

Không thể chỉ vì bức xúc mà phụ huynh dùng dao xông thẳng vào trường đòi “ăn miếng trả miếng” bắt hiệu trưởng phải quì gối xin lỗi là không thể chấp nhận được. Trường học không dành cho bạo lực mà là nơi tôn nghiêm, nơi con em chúng ta tiếp thu tri thức của nhân loại chắp cánh cho ước mơ tốt đẹp nhất của con người – để làm người tốt.

Truyền thống "nhất tự vi sư, bán tự vi sư", tôn sư trọng đạo là truyền thống lâu đời của người Việt. Điều răn lớn nhất chính là làm người, trước sau như một phải luôn ghi lòng tạc dạ công ơn những ai đã dạy mình nên người, bởi có ai nên người mà không phải từ những điều đã được dạy, được học. Mà thật buồn khi câu chuyện lại xảy ra ở ngay chính mảnh đất được xem có truyền thống hiếu học như Hà Tĩnh.

Hiện nay, đội ngũ thầy cô đang phải đối mặt với nhiều áp lực hằng ngày, nhiều giáo viên nghỉ việc (chỉ 10 tháng năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành), nguyên nhân chủ yếu được cho là lương thấp trong khi công việc quá nhiều. Việc giáo viên phải đối mặt với những áp lực của các phong trào thi đua của những công việc không liên quan gì đến chuyên môn như chuyện thu tiền bảo hiểm y tế dẫn đến vụ việc đáng tiếc trên.

Tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hóa của người Việt từ xưa đến nay, trong đó những người làm cha, mẹ luôn phải dạy dỗ con mình phải “tiên học lễ” lễ phép với thầy giáo, cô giáo. Như một qui luật “nhân quả” nếu những người làm cha làm mẹ sẵn sàng buông bỏ, bất chấp đạo đức, đạo lý chà đạp sự tôn nghiêm, thiêng liêng cao quí của người thầy thì cũng là lúc họ tự gieo mầm họa cho tương lai của chính con em mình./.

Theo dangcongsan.vn

 

.
.
.