Thứ Bảy, 19/11/2022, 21:22 (GMT+7)
.

Vì sự an toàn trên mọi con đường!

Tai nạn giao thông có thể phòng tránh được. Để không phải hối hận muộn màng, mỗi chúng ta cần tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng bằng cách tham gia giao thông bằng ý thức tự giác, hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như: đi đúng phần đường, làn đường quy định; bảo đảm đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, tập trung và chú ý quan sát khi lái xe...

Theo thống kê, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông; tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15 -27 tuổi.

Tại Việt Nam, những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, là một trong số ít các nước trên thế giới kéo giảm tai nạn giao thông xuống còn 1/2 trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020. Kết quả này được cộng đồng quốc tế ghi nhận đánh giá cao. Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá, tai nạn giao thông ở Việt Nam còn ở mức cao, vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Theo thống kê, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 9212 vụ tai nạn giao thông, 5221 người bị cướp đi mạng sống cùng với 6140 người bị thương tật do tai nạn giao thông. 

Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn nhưng có thể xảy ra với bất kì ai và để lại nhiều hệ lụy nặng nề đối với cả bản thân, gia đình cũng như xã hội. 

Ảnh minh họa (Nguồn: LĐO)
Ảnh minh họa (Nguồn: LĐO)

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.

Chắc chắn, muốn giảm số vụ tai nạn giao thông, giảm số người chết và bị thương, không một cơ quan, tổ chức nào có thể đơn phương thực hiện công cuộc đẩy lùi thảm họa này. Thực tế này đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng văn hóa giao thông để khắc phục, kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hướng tới một hệ thống giao thông an toàn và thân thiện.

Bên cạnh các giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương thì mỗi người dân đều phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tất cả chúng ta cần nâng cao ý thức tham gia giao thông, chung tay xây dựng văn hóa tham gia giao thông. Bởi, theo thống kê, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông vẫn là do ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với các lỗi: thiếu chú ý quan sát, qua đường không đúng nơi quy định, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, không đội mũ bảo hiểm… Rất nhiều xe lưu thông trên đường mà không bao giờ dùng tới xi nhan, đèn hiệu, còi… Nhất là tình trạng người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức quy định ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của tay lái và gây tai nạn. 

Để không phải hối hận muộn màng, mỗi chúng ta cần biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng bằng cách tham gia giao thông bằng ý thức tự giác. Mỗi người hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như: Đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; bảo đảm đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, tập trung và chú ý quan sát khi lái xe; nêu cao ý thức nhường đường, chuyển hướng (rẽ trái, rẽ phải)… đúng quy định; rèn luyện tính kiên nhẫn, chờ đợi khi gặp đèn tín hiệu giao thông hay tắc đường; phải biết giúp đỡ người bị tai nạn giao thông...

Và hơn hết, chính mỗi bậc phụ huynh, mỗi thầy cô giáo, mỗi cá nhân, tổ chức phải làm những tấm gương mẫu mực về thực thi quy định pháp luật về an toàn giao thông và xây dựng văn hoá giao thông, nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân với cộng đồng khi tham gia giao thông và luôn nhớ nghĩa vụ bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em.

Chỉ khi nào tất cả mọi người đều nâng cao ý thức và trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông với tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình” mới có thể ngăn chặn từ sớm những vụ tai nạn giao thông thương tâm.

Ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” trên toàn cầu. Năm 2022, sự kiện này được tổ chức vào ngày 20/11, với chủ đề “Thực thi quy định pháp luật về an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

Tại Việt Nam, các hoạt động hưởng ứng sự kiện này luôn được chuẩn bị chu đáo, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Năm nay, Lễ Tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông kết hợp với chương trình “Người bạn đường” sẽ được tổ chức tối 19/11. 

Đây là năm thứ 11 Việt Nam cùng thế giới tổ chức các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông để bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông và chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ. Đó là cơ hội để mỗi chúng ta nhắn nhủ tới chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống. Đồng thời, cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhắn nhủ tới chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống. Đây cũng là dịp để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật trật tự an toàn giao thông. 

“Hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống. Vì sự an toàn trên mọi con đường! Vì hạnh phúc của mọi người! Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” - Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kêu gọi mỗi người Việt Nam, hãy vì sự phát triển bên vững của đất nước, vì sự an toàn của bản thân, phải tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông để ngăn chặn thảm họa tai nạn giao thông.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.