Bồi đắp, nâng cao văn hóa học đường
Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nhân cách và giáo dục học sinh, sinh viên trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ. Sự gia tăng các hành vi phản văn hóa ở các cơ sở giáo dục hiện nay đang đặt ra đòi hỏi phải không ngừng xây dựng, bồi đắp, nâng cao văn hóa học đường, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nữ sinh bị đánh hội đồng ở Quảng Trị. Ảnh cắt từ clip. |
Trước đó, vào cuối tháng 10 vừa qua, dư luận cũng bức xúc với đoạn clip ghi lại việc một nữ sinh lớp 12 tranh cãi, xưng hô "mày - tao" với thầy giáo ở trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Tuy không phải là phổ biến song những vụ việc vừa nêu chính là hồi chuông cảnh báo về thực trạng văn hóa học đường hiện nay.
Văn hóa là yếu tố quan trọng tạo lên giá trị của mỗi cá nhân. Trong môi trường sư phạm, văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng văn hóa học đường tại nhiều địa phương còn có những hạn chế nhất định. Tình trạng bạo lực học đường, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy có dấu hiệu gia tăng ở một bộ phận học sinh, sinh viên. Do bị tác động của mặt trái kinh tế thị trường, mối quan hệ “thầy - trò” ở một số nơi có những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.
Cùng với đó là tình trạng “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” của số ít giáo viên, giảng viên, nhà quản lý giáo dục… Đây thực sự là những “điểm trừ” về văn hóa của ngành giáo dục nói chung, văn hóa học đường nói riêng, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Ảnh: PV. |
Trước thực trạng nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để bảo đảm chất lượng giáo dục một cách toàn diện, xây dựng và phát triển văn hóa học đường phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) nhìn nhận, hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực, còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lệch chuẩn, thậm chí lệch chuẩn nghiêm trọng trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử, trong các mối quan hệ cơ bản của học đường. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải nhận thức văn hóa học đường là hệ thống các giá trị chuẩn mực được kiến tạo và không ngừng hoàn thiện qua quá trình tương tác ứng xử giữa nhà quản lý giáo dục, cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và các cộng đồng với nhau.
Qua đó, giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ trong các nhà trường phát triển toàn diện: nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
Từ góc nhìn quản lý, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Nguyễn Kim Sơn cho rằng, văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.
Vì vậy, cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường để giữ cho đây là môi trường trong sáng nhất, đẹp nhất, an toàn nhất và đương nhiên là môi trường đậm chất văn hóa nhất. Đồng thời, chính trong môi trường đó cũng cần làm cho các em gia tăng sức đề kháng về văn hóa. Chỉ bằng con đường nâng cao bản lĩnh về văn hóa và sức đề kháng về văn hóa học sinh, sinh viên mới có được nhân cách, phẩm chất và năng lực bền vững; từ đó phấn đấu trở thành “con ngoan, trò giỏi”, thành những công dân có ích cho xã hội.
Giáo dục văn hóa học đường giúp học sinh, sinh viên ứng xử văn minh hơn. Ảnh minh họa. |
Thực tế, với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường. Mới đây nhất, đầu tháng 6/2022, Bộ GD&ĐT đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Đây là cơ sở để chúng ta sớm có được những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.
Tiếp cận từ góc độ thực tiễn, văn hóa học đường và nâng cao văn hóa học đường không phải là vấn đề gì đó cao siêu mà là những việc làm cụ thể đi liền với những nội dung, đối tượng cụ thể trong môi trường sư phạm. Do đó, từng cơ sở giáo dục, trường học phải gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hóa học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong xây dựng văn hóa học đường.
Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong chương trình giáo dục, đào tạo. Thường xuyên trang bị những nguyên tắc ứng xử và hướng dẫn học sinh, sinh viên thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và ứng xử trên mạng xã hội.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo trong xây dựng văn hóa học đường. Không ngừng bồi dưỡng, tăng cường các yếu tố thuộc về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo, đúng với tinh thần “mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.
Đồng thời, coi trọng tính gắn kết giữa nhà trường với gia đình trong xây dựng văn hóa học đường. Mỗi phụ huynh cần thường xuyên phối hợp cùng nhà trường, trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt, gần gũi, chia sẻ với con em mình. Kịp thời phát hiện và giúp các em điều chỉnh những nhận thức, hành vi có biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa. Bản thân từng phụ huynh cần là tấm gương về cách hành xử văn hóa cho các em noi theo.
(Theo dangcongsan.vn)