"Định vị" lại ngành lúa gạo: Yêu cầu tất yếu là nâng cao thu nhập của nông dân
Việc thành lập trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long là điều cần thiết để giúp ngành này phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Thế nhưng, làm sao để hiện thực hóa được mục tiêu đề ra?
Trung tâm sản xuất, phân phối lúa gạo sẽ giúp nâng cao thu nhập nông dân. Ảnh: Trung Chánh |
Mới đây, trong Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra quan điểm phát triển vùng theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh gắn với thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2030, ĐBSCL sẽ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Dựa trên 3 tiểu vùng sinh thái, bao gồm vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn, mặn- lợ ở ven biển và ngọt – lợ ở giữa ĐBSCL, từ đó sẽ hình thành các trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu. Trong đó, trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng nguyên liệu về thuỷ sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo; trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thuỷ sản khu vực ven biển và trung tâm ở Tiền Giang, Bến Tre gắn với vùng nguyên liệu trái cây, rau màu…
Tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong ngành lúa gạo
Để triển khai Quyết định 287 nêu trên, tại diễn đàn Mekong Connect 2022 tổ chức mới đây ở TP Cần Thơ, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề xuất thành lập trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng đặt tại địa phương này. “Trên cơ sở phân thành 3 vùng sinh thái (như nêu ở trên), 4 địa phương trong ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp) đã trao đổi với nhau về trung tâm lúa gạo đặt tại tỉnh An Giang”, ông nói.
Theo đó, trung tâm nêu trên được kỳ vọng sẽ giải quyết những “điểm nghẽn” của ngành hàng lúa gạo ĐBSCL trong bối cảnh dự kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ và Quốc hội nội dung chỉ giữ 1 triệu héc ta đất sản xuất lúa so với con số 1,5-1,6 triệu héc ta/vụ như hiện nay, tức sẽ chuyển đổi cây trồng hoặc phát triển các ngành kinh tế khác đối với phần đất được chuyển đổi.
Thông qua giải quyết những “điểm nghẽn” của ngành hàng lúa gạo sẽ giúp tăng thu nhập cho nông dân. Bởi, trong hơn 10 năm qua, bình quân thu nhập của nông dân sản xuất lúa nằm trong nhóm trung bình thấp của ngành nông nghiệp, chỉ bằng 1/5 so với ngành cà phê và trồng tiêu.
Cụ thể, để nâng cao thu nhập của người nông dân, ông Thư đề xuất dựa trên hai trụ cột: thứ nhất, tập trung thay đổi về giống, quy trình canh tác, chế biến và nâng cao chất lượng để tăng giá trị lúa gạo; thứ hai, tập trung giảm chi phí để tăng tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa. Ngoài ra, việc tận dụng và đưa rơm rạ, tấm cám vào chuỗi giá trị lúa gạo cũng là một giải pháp để nâng cao thu nhập người nông dân .
Dự kiến, trung tâm sẽ có 5 hợp phần để thực thi: thứ nhất, tập trung cho chương trình cải thiện về giống lúa thông qua phối hợp với Viện nghiên cứu lúa ĐBSCL, Viện di truyền và đại học Cần Thơ, trong đó, sẽ tập trung nghiên cứu các giống lúa có dinh dưỡng và giá trị cao hơn; thứ hai, là chương trình canh tác theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) và giảm phát thải thông qua chuyển đổi sản xuất từ phân hóa học sang hữu cơ sinh học và sử dụng hệ thống thông minh để kiểm soát phân bón, thuốc trừ sâu cũng như lượng nước.
Với hợp phần nêu trên, ông Thư cho biết, dự kiến thu nhập sẽ được gia tăng đáng kể, trong đó, phần được chia cho người nông dân khoảng 1.000 đồng/kg lúa và phần của các doanh nghiệp tham gia sẽ được trao đổi cụ thể thời gian tới.
Với hợp phần thứ ba, sẽ xây dựng nâng cao hệ thống kho tồn trữ cũng như cải thiện hệ thống sấy, chế biến và bảo quản. “Chúng ta đang triển khai hệ thống đường cao tốc (Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng) gắn với cảng biển (Trần Đề), thì trên cơ sở trục đường này sẽ hình thành các cụm kho để tồn trữ nhằm giảm được áp lực của câu chuyện “được mùa mất giá” đã xảy ra trong nhiều năm gần đây”, ông cho biết.
Bên cạnh hợp phần thứ tư là phát triển thị trường và maketing, thì hợp phần cuối cùng là tập trung hình thành chuỗi giá trị lúa gạo và chế biến phụ phẩm. “Cả 5 hợp phần này sẽ liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp cũng như các nhà khoa học để triển khai thực hiện”, ông Thư nói.
Để hiện thực hoá trung tâm sản xuất, phân phối lúa gạo
Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết kỳ vọng về một trung tâm sản xuất và phân phối lúa gạo xuất phát từ cơ sở vùng lúa chất lượng cao có diện tích 1 triệu héc ta nằm chủ yếu ở An Giang và Kiên Giang. Trong đó, các tập đoàn Tân Long và Lộc Trời đã đầu tư, cho nên đề án có thể phát triển dựa trên cơ sở hiện trạng đã có.
Trao đổi với KTSG Online về đề xuất nêu trên, TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế ở ĐBSCL cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là không đặt nặng trung tâm sẽ nằm ở địa phương nào, mà phải tiếp cận theo tiểu vùng sinh thái. Từ đó, việc đầu tư cũng không nên phân khúc theo ranh giới hành chính, dù hiện trạng bây giờ vẫn bị chia tách.
Trong cách tiếp cận mới, muốn các chương trình, dự án liên kết vùng thành công, thì phải triển khai theo hướng gắn kết được các trung tâm với nhau và cả trung tâm chính nằm ở thành phố Cần Thơ. Ông Hiệp góp ý, và đề xuất phải thành lập một trung tâm cơ sở dữ liệu về nông nghiệp vì đây là yếu tố nền tảng.
Thành lập một trung tâm nêu trên phải có sự kết hợp các yếu tố, bao gồm đầu tư về cơ sở hạ tầng vì không thể thiếu một không gian vật lý, tức quy mô, diện tích. Đặc biệt, trung tâm không phải là chợ truyền thống như chợ gạo, chợ trái cây, mà cần tích hợp đa chức năng, bao gồm kho vận, thương mại điện tử, đầu mối kiểm hóa, hải quan… “Lúa gạo vẫn có thể sản xuất ở An Giang, nhưng nó phải tích hợp nơi trao đổi là sàn giao dịch để kết nối với nước ngoài”, ông nói.
GS. TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học và cũng là chuyên gia tâm huyết với ngành nông nghiệp, gợi ý rằng trước tiên nhà nước phải quy hoạch lại vùng sản xuất lúa, trên cơ sở đó tạo mọi điều kiện cho người nông dân trồng lúa, bao gồm cả kỹ thuật canh tác. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng cần phải triển khai, đó là sản xuất theo hướng chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, khi đó sản phẩm của nông dân mới được doanh nghiệp tiêu thụ với giá cao hơn.
Thực trạng của ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay là sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, sản phẩm làm ra ai mua được giá thì bán, chứ không theo một chuỗi liên kết nào. Trong khi đó, có không ít doanh nghiệp không gắn kết với nông dân, có tình trạng “lật kèo” không tuân thủ thỏa thuận, từ đó dẫn đến tình trạng sản xuất nhiều hàng hóa nhưng chất lượng không cao. Một thực trạng khác của ngành nông nghiệp là giá thành sản xuất lúa cao vì nông dân sử dụng quá nhiều phân hóa học, tình trạng sâu bệnh nhiều.
Chính vì vậy, để hiện thực hóa trung tâm sản xuất và phân phối lúa gạo, thì người nông dân phải được tham gia các hợp tác xã và hợp tác xã sẽ là chủ thể liên kết với doanh nghiệp.
“Những doanh nghiệp có địa chỉ tiêu thụ (cả trong nước và xuất khẩu) sẽ đặt hàng cho hợp tác xã, thì mối liên kết mới bền vững. Từ đó, mới thúc đẩy trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo phát triển bền vững được”, GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
(Theo thesaigontimes.vn)