Xử lý nghiêm thực phẩm bẩn
Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể; nhiều vụ bắt giữ, thu hồi thực phẩm bẩn, kém chất lượng đã khiến người tiêu dùng bất an. Thực phẩm bẩn đã và đang bủa vây khắp ngõ ngách trong đời sống.
Những vụ vi phạm về an toàn thực phẩm được phanh phui, phát hiện ngày một nhiều, danh sách xử phạt ngày một dài; bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của thực phẩm bẩn bởi các nguy cơ tiềm ẩn luôn chực chờ. Giữa “ma trận” thực phẩm, người tiêu dùng khó đủ “thông thái” để lựa chọn cho mình và gia đình những thực phẩm an toàn.
Lãnh đạo Trường Ischool Nha Trang thăm hỏi học sinh ngộ độc thực phẩm đang được điều trị tích cực. Ảnh: suckhoedoisong.vn |
Thực phẩm không có lỗi. Lỗi ở lương tâm của người bán hàng, người kinh doanh bị nhuốm “bẩn” bởi lợi nhuận và sự coi thường sức khỏe, tính mạng của cộng đồng. Nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm gây bất bình thời gian qua được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến người tiêu dùng kinh sợ: dùng hóa chất độc hại để tẩy trắng bún và lòng lợn, tắm trắng bắp chuối; biến thịt heo thành thịt bò. Nhiều tấn nội tạng động vật tẩm hóa chất đóng trong thùng xốp bằng nhiều cách đã đến một số nhà hàng, bàn ăn của nhiều gia đình, len lỏi ở khắp nơi. Cảnh miếng ăn - miếng lo đang đe dọa sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng giống nòi. Chất bảo vệ thực vật, thực phẩm ngậm hóa chất cũng là tác nhân gây ra các bệnh ung thư làm nhiều gia đình khánh kiệt.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% nguyên nhân gây bệnh ung thư là từ môi trường bên ngoài, trong đó thủ phạm chính là thuốc lá và thực phẩm không an toàn.
Còn theo thống kê gần đây của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, ước tính, Việt Nam có khoảng 122.690 người chết vì ung thư/năm, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đứng thứ 91/185 quốc gia được điều tra. Bên cạnh đó, đáng lo ngại là số người mắc ung thư ở Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2000, Việt Nam có 69.000 ca ung thư mắc mới, năm 2020 lên đến 182.563 ca mắc mới. Số ca mắc mới ung thư tăng dần từng năm mà một phần nguyên nhân do thực phẩm bẩn.
Được dùng thực phẩm sạch, an toàn là yêu cầu chính đáng của người dân. Thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán đang cận kề, vì vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng. Tình trạng mất an toàn thực phẩm phải được xử lý ngay và nghiêm. Cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn, thậm chí khởi tố, tước giấy phép, cấm hành nghề trong lĩnh vực thực phẩm suốt đời, tăng mức xử phạt...
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần trang bị kiến thức về an toàn thực phẩm để tự bảo vệ mình và gia đình trước những mối hiểm họa do thực phẩm không an toàn gây ra; tạo thói quen kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, chọn điểm mua sắm tin cậy, tẩy chay sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn…
Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngắn hay dài phụ thuộc vào các đơn vị quản lý, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh và ý thức của người tiêu dùng. Đừng để miếng ăn của người dân mãi trở thành miếng lo khi trách nhiệm đảm bảo bữa ăn an toàn bị buông lỏng quản lý.
(Theo sggp.org.vn)