Quà Tết!
Với người dân đất Việt, Tết luôn có một ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức. Truyền thống tặng quà Tết cũng là mỹ tục văn hóa rất tốt đẹp. Nhưng đáng buồn thay nét đẹp này đã bị một số thành phần cơ hội biến tướng “chạy chọt” để cầu cạnh lợi lộc cá nhân, mua danh bán chức…
Ảnh minh họa. |
Trong phong tục tập quán của người Việt từ xưa tới nay, nhất là vào các dịp lễ Tết, để thể hiện sự quan tâm, tấm lòng chân thành của mình đối với những người mình yêu quý hoặc chịu ơn hay quý mến người ta thường hay mua sắm những món quà để tặng, biếu. Việc tặng quà cho nhau là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt. Đây chính là mỹ tục thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó giữa người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũng như các mối quan hệ xã hội… Nó là một phần của phong tục đón Tết được duy trì khá tốt đẹp và có truyền thống từ lâu đời.
Tuy nhiên, trong quá trình vận động, phát triển, nét đẹp phong tục đó đã bị một số thành phần lợi dụng, biến tướng, trở thành môi trường cho một bộ phận không nhỏ công bộc, doanh nghiệp biến nó thành nơi buôn danh, bán lợi. Theo đó, gói quà Tết không còn mang ý nghĩa tinh thần cao đẹp như nó vốn có mà thay vào những gói mứt tết, cành đào, cái bánh chưng, con gà hoặc những sản vật mà mình sản xuất được… là sự mua bán, đổi trác bằng phong bì, vàng, kim cương…
Thậm chí việc việc biếu quà Tết không chỉ nằm trong phạm vi để đạt được quyền lợi, lợi ích của người tặng quà mà còn có trường hợp “chạy” Tết để được xuê xoa, dung túng, bao che hành vi sai trái trong công tác hay làm ăn gian dối. Bởi mới đây thôi, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái khai trong số tiền mỗi người nhận hối lộ 14,5 tỉ đồng của AIC có nhiều lần số tiền đưa ngụy trang bằng món quà Tết.
Chưa hết, ở một số cơ quan, việc "đi" Tết sếp như một "quy định ngầm" không thể thiếu. Việc biếu, tặng quà cho cấp trên để hanh thông trong công việc, trên để lo lót, nhờ vả, trả ơn hoặc đặt chỗ để được cất nhắc, ủng hộ hoặc đôi khi chỉ để không bị sếp làm khó dễ, bắt bẻ ngày thường… Thế là, một truyền thống tốt đẹp biến tướng thành tham nhũng, hối lộ, suy thoái đạo đức, lối sống, suy thoái tư tưởng chính trị...
Trước diễn biến không hay của việc “biến tướng” trong chuyện biếu quà Tết nói trên, mấy năm gần đây, Đảng và Chính phủ đều có những văn bản chỉ đạo với các nội dung cụ thể như: Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết… Điều này chứng tỏ, xung quanh nét đẹp văn hóa truyền thống này vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới tiêu cực, tham nhũng.
Và đây là những con số được các cấp có thẩm quyền liệt kê những năm trước: Năm 2019 cả nước chỉ có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng; năm 2020 có 7 người nộp lại quà tặng với giá trị 305 triệu đồng; năm 2021 có 4 trường hợp nộp lại quà tặng với số tiền 350 triệu đồng; năm 2022 có 14 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng số tiền 260,7 triệu đồng. Nhưng đây là quà tặng chung, chứ không riêng gì quà Tết. Tuy nhiên, những con số này cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi: Những con số trên đã phản ánh đúng thực tế câu chuyện "quà Tết" hay còn nhiều lắm những trường hợp chưa bị lộ?
Năm nay, trong bối cảnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra rất quyết liệt, không ngoại lệ, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18-11-2022 về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23-12-2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, trong đó yêu cầu “Nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức”. Đây được coi là một trong những biện pháp góp phần ngăn chặn tình trạng đưa và nhận hối lộ; ngăn ngừa tham ô, tham nhũng, tiêu cực...
Tuy nhiên, hành vi tặng quà Tết xuất phát từ một phong tục văn hóa, mà bản chất của hành vi văn hóa là rất khó định lượng, pháp luật rất khó can thiệp. Vì con người có rất nhiều kiểu lách luật. Không đưa quà cho anh thì biếu quà cho chị, xì lì cho các cháu… Vậy nên, cùng với triển khai thực hiện chỉ thị, cần khơi dậy mạnh mẽ yếu tố đạo đức xã hội, văn minh trong Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, người đứng đầu có vai trò rất quan trọng từ công tác làm gương đến công tác tuyên truyền, giáo dục…
Và để quà Tết không bị biến tướng một cách đáng xấu hổ, rất cần thái độ tự trọng và liêm chính của những người có chức vụ, quyền hạn. Nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết đồng thời cũng phải nghiêm cấm nhận quà. Đó cũng là cách để trả lại nét đẹp cho mỹ tục chúc Tết của người dân đất Việt./.
Theo dangcongsan.vn