Du lịch nông nghiệp nhìn từ đồng bằng sông Cửu Long
Một vùng đất được mệnh danh là trọng điểm nông nghiệp, góp phần bảm đảo an ninh lương thực quốc gia, có đóng góp quan trọng về xuất khẩu nông sản, sao vẫn bị nêu tên là “vùng trũng” của cả nước?
Cánh đồng Tà Pạ ở An Giang. Ảnh: H.P |
Một vùng đồng bằng một thời là nơi người dân tứ xứ tìm đến khai phá khẩn hoang, sao hôm nay cả triệu người lại rời đi tìm sinh kế nơi khác?
Một vùng sông nước với bờ biển dài, với những khu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước, với những sân chim rợp trời, với bạt ngàn những rặng dừa, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, với Cửu Long hai dòng chín cửa, sao vẫn chưa phải là nơi được nhiều người tìm đến?
Đi đâu thì đi, tôi vẫn luôn miên man những ý nghĩ như vậy về đồng bằng châu thổ Cửu Long.
Đồng bằng đâu phải không có sự khác biệt, một điều kiện để du khách khám phá trải nghiệm. Một vùng đất không thiếu những di sản văn hóa như đờn ca tài tử, những câu hò điệu lý dung dị như con người nơi đây. Một vùng đất vẫn còn đó bóng dáng những “phim trường” của những bộ phim kinh điển: Đất phương Nam, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Chị Sứ… Một vùng đất với những con người hào sảng với cách làm nông “thuận thiên” bao đời, với những ẩm thực đặc trưng miền sông nước, gắn với văn hóa miệt vườn, miệt thứ.
Nói cho công bằng, du lịch đồng bằng đã có những điểm sáng vượt lên: Phú Quốc – đảo ngọc, Hà Tiên – thập cảnh, Miếu bà chúa xứ núi Sam – Châu Đốc, Tràm Chim Ramsar – Đồng Tháp, Làng hoa Sa Đéc, Bến Tre – xứ dừa, rừng ngập mặn – Cà Mau… Tất nhiên, có thể còn nhiều địa danh khác cũng bắt đầu được chú ý đến, nhưng hình như vẫn chưa thực sự chuyển mình, hình như bao nhiêu đó là vẫn chưa đủ đưa Đất chín Rồng ghi đậm vào bản đồ du lịch cả nước và thế giới về một “Mekong Delta – Đất chín Rồng”.
Câu hỏi làm sao có những sản phẩm khác biệt, tránh mang tiếng sao chép, rập khuôn, đơn điệu… đã từng nêu ra trong những hội nghị, diễn đàn nhiều năm. Không ít sự kiện liên kết giữa những địa phương, nối kết với các doanh nghiệp lữ hành. Không thiếu những sự kiện, lễ hội được tổ chức hàng năm cũng đánh động sự chú ý nhưng hình như vẫn chưa thu hút sự quan tâm của cộng đồng du lịch. Không thiếu những khát vọng xen lẫn sự trăn trở của lãnh đạo, người làm du lịch các địa phương. Vậy, Đất chín Rồng còn thiếu gì?
Điều đầu tiên, tư duy sản xuất nông nghiệp còn bám víu quá sâu, là cản trở lớn khi chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tư duy kinh tế là đa dạng hóa sản phẩm, hoạt động trên một đơn vị diện tích, từ đó tối đa hóa lợi nhuận. Khi chỉ nhìn giá trị của nông nghiệp là năng suất, sản lượng thì đã bỏ qua những giá trị tiềm năng khác có giá trị cao hơn nhiều lần. Du lịch nông nghiệp là một trong những giải pháp phù hợp, hoàn toàn trong khả năng của người dân, không nên hiểu theo cách hiểu kết hợp, làm thêm “được đồng nào hay đồng ấy”.
Không chỉ vậy, tư duy sản xuất một khi đã ăn sâu vào tiềm thức sẽ tạo ra luồng suy nghĩ giản đơn nhưng lại phổ biến cho tất cả các bên tham gia. Đó là hướng đến xuất khẩu sản phẩm “nhìn thấy được” đi ra ngoài biên giới “nhìn thấy được”. Trong khi đó, muốn du khách hướng tới vùng Đất chín Rồng thì cần tư duy theo hướng kết hợp “xuất khẩu tại chỗ”, kết hợp các giá trị tiềm năng khác về văn hóa nông thôn, văn hóa nông nghiệp, trải nghiệm lịch sử địa phương.
Cảm xúc tiềm năng sẽ tạo ra giá trị gấp nhiều lần so với chỉ bán sản phẩm hữu hình theo từng túi nông sản. Cảm xúc tiềm năng còn tồn tại, lan tỏa mãi sau khi khách đã tiêu thụ hết những thương phẩm là trái, là hoa, là bánh mứt, là đặc sản… Những món quà du khách mang về có thể không nhiều, nhưng những ký ức tốt đẹp khi được trải nghiệm còn lưu giữ thông qua những tấm hình, đoạn video, câu chuyện thật về một chuyến trải nghiệm sẽ truyền cảm hứng cho chính họ muốn quay lại, thôi thúc bạn bè, gia đình đến khám phá vùng nông thôn đó. Những giá trị ấy vượt xa số tiền mà khách chi tiêu mua quà mang về.
Điều thứ hai, tư duy phát triển đơn ngành, tăng trưởng đơn giá trị đang là rào cản cho tư duy tích hợp đa ngành, tăng trưởng đa giá trị. Sự phân khúc nhiệm vụ giữa cơ quan quản lý du lịch và nông nghiệp khiến sự phát triển chông chênh. Ngành du lịch xem nông nghiệp là làm thêm, ngành nông nghiệp xem du lịch là nhiệm vụ phụ. Trong khi đó, du lịch nông nghiệp, thuật ngữ tiếng Anh là “agritourism” là sự kết hợp hoàn hảo, là nhất thể. Du lịch nông nghiệp ở nhiều đất nước có chuyên ngành đào tạo, huấn luyện riêng, có hội nghề nghiệp riêng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển địa phương.
Điều thứ ba, tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát còn quá lớn. Một người nông dân không thể bằng vài buổi được tuyên truyền, tập huấn mà có thể bỗng chốc trở thành người làm du lịch. Người nông dân phải được đào tạo, huấn luyện bằng hình thức phù hợp, về kiến thức, kỹ năng và nhất là hiểu giá trị của du lịch mang lại cho mình, cho cộng đồng và xã hội. Người nông dân phải được truyền những niềm đam mê và lòng tự hào khi trở thành người làm du lịch. Người nông dân, thông qua những chuyên gia, được tư vấn biết cách sắp xếp lại cái mình đang có cho hoàn hảo hơn và biết hấp thu những điều mới mẻ để tạo ra sự khác biệt.
Điều thứ tư, mỗi địa phương cần thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, trong đó có huấn luyện nông dân khởi nghiệp du lịch nông nghiệp. Trung tâm phải có đội ngũ tư vấn, khuyến nông cộng đồng đủ kiến thức, kỹ năng. Đội ngũ này phải được đào tạo chuyên nghiệp, không thể làm việc theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ cốt cho xong việc, mà phải “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người nông dân, giúp người chủ điểm du lịch biết truyền thông quảng bá, có uy tín để nối kết điểm du lịch với các doanh nghiệp lữ hành.
Chủ thể tham gia tạo ra du lịch là người nông dân, những người cả đời gắn bó với ruộng đồng, vườn tược, những người vốn nghĩ rằng sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập duy nhất. Như vậy, khi chuyển sang làm du lịch trên nền hoạt động nông nghiệp sẽ gặp rào cản trong cách nghĩ: Tại sao tôi phải làm du lịch? Nông dân như tôi có thể làm du lịch được không? Du lịch sẽ đem đến cho tôi lợi ích như thế nào? Ai sẽ là người tư vấn, hỗ trợ, kết nối giúp tôi trong những bước đi đầu tiên? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra và người trả lời những câu hỏi đó không ai khác là lãnh đạo và ngành chuyên môn địa phương.
Điều thứ năm, quyết tâm và hành động thực sự của lãnh đạo các cấp. Lãnh đạo và ngành chuyên môn phải thực sự nhận thức đúng, sâu sắc và toàn diện về giá trị của du lịch nông nghiệp. Đó là vừa tạo ra giá trị hữu hình và vừa tạo ra giá trị vô hình. Giá trị hữu hình là thu nhập của người nông dân. Giá trị vô hình là hồi sinh sức sống năng động của cộng đồng, là thay đổi hình ảnh nông nghiệp, nông thôn, là hướng đến những thế hệ làm nông mới có nhiều tri thức hơn, chuyên nghiệp hơn. Những điều tưởng chừng vô hình nhưng vẫn có thể “bán” được, “bán” giá cao, mà vẫn không bị mất đi.
Điều thứ sáu, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Đó không chỉ là phương châm mà còn là triết lý mang đến thành công trong kinh doanh. Hình như các địa phương đều có trung tâm xúc tiến du lịch nhằm quảng bá, kết nối thị trường du lịch lữ hành. Những trung tâm này cần được giao chức năng hỗ trợ các ý tưởng đổi mới sáng tạo, huấn luyện doanh nông khởi nghiệp, huấn luyện nông dân kiến thức, kỹ năng làm du lịch. Các địa phương cần thành lập các hội, hiệp hội, câu lạc bộ du lịch nông nghiệp.
Một câu nói kinh điển cần suy nghĩ: “Nếu cho tôi 6 giờ để đốn cây, tôi sẽ dành 4 giờ để mài rìu”. Điều đó cho thấy phát triển du lịch nông nghiệp cần phải chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, bài bản. Không thể bằng nghị quyết, đề án, rồi tuyên truyền, quán triệt là kết thúc. Không thể một vài hội nghị, diễn đàn bàn chuyện liên kết là xong. Không thể một vài lễ hội xúc tiến là có kết quả. Muốn triển khai du lịch nông nghiệp, cần phải có nguồn nhân lực được đào tạo từng bước chuyên nghiệp. Không chỉ đào tạo người nông dân mà cả đội ngũ quản lý du lịch và nông nghiệp, cán bộ cấp uỷ, chính quyền các cấp.
Để du lịch Đất chín Rồng cất cánh, cần đến tư duy phát triển bền vững. Lãnh đạo và ngành chuyên môn địa phương không nên đánh giá du lịch nông nghiệp dựa trên những giá trị còn quá nhỏ mà thiếu chăm chút để nhân những giá trị đó lên nhiều lần. Phải cùng hợp lực lại để “Chín Rồng” thực sự là chín “con rồng” chứ không phải là riêng rẽ từng con rồng. Có như vậy mới thoát khỏi lời nói mỉa mai: “À đi miền Tây hả, chỗ nào cũng na ná như nhau thôi”. Ngược lại, khi cùng quyết tâm hành động và biết cách phối hợp hành động, sẽ tự hào khi nhận được lời reo vui: “À, đi miền Tây hả, đã lắm à nghen!”.
(Theo thesaigontimes.vn)