Thứ Bảy, 06/05/2023, 13:58 (GMT+7)
.

Lính có nên giỏi hơn sếp?

“Muốn làm sếp thì nghỉ việc mở công ty”, câu nói 3 phần đùa 7 phần mỉa mai nhưng là một thực tế, được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn của người trẻ thời gian qua.

a
Khi làm việc cùng nhau, cần sự chia sẻ và đồng hành để phát triển đội ngũ. Ảnh: TOONG

Theo khảo sát từ GoodHire (một công ty kiểm tra lý lịch, trụ sở tại Mỹ) vào đầu năm 2023, có đến 80% người được khảo sát cho biết họ có thể làm việc tốt mà không cần làm quản lý.

Trong nhóm trò chuyện trên mạng xã hội của tôi và nhóm bạn duy trì từ thời đại học và đến hiện tại, những câu chuyện mà các bạn tôi thường “xả giận” vào nhóm chính là bất đồng ở công sở. Vị trí trưởng nhóm nghiên cứu khiến anh bạn tôi “cày ngày cày đêm” mới được ghi nhận. Nhưng mới nửa năm làm nhóm trưởng, anh bạn thở dài: “Lên lương là có thật, nhưng cũng kèm quá trời việc. Ngán nhất là các thành viên trong nhóm, người thì không tập trung, giao việc xong quên luôn, người làm chưa đến một nửa việc nhưng chê khen, phân tích chuyên môn như… từ điển bách khoa, người thì ráng làm xong nhanh để về, hết ngày hết giờ mà chưa hết việc cũng tắt luôn điện thoại”...

Câu chuyện “ngột ngạt” từ môi trường công sở không chỉ riêng tôi hay nhóm bạn tôi, mà thế hệ gen Y, gen Z với những quan điểm sống phát triển bản thân, cũng có thể gặp phải. Thế hệ của họ là những xu hướng làm việc mới cùng với công nghệ hỗ trợ, chuyện nhân viên răm rắp nghe lời sếp chẳng khác nào chuyện... cổ tích.

Với ưu thế về ngoại ngữ tốt, từng giữ vị trí quản lý cho các quỹ đầu tư nước ngoài, nhưng Trần Thủy Tiên (27 tuổi, chuyên viên thương mại quốc tế, ngụ TP Thủ Đức) chọn làm việc cố định ở công ty tài chính sau một thời gian làm tự do để tập trung phát triển chuyên môn hơn. Những cuộc trao đổi qua điện thoại và “bật” lại sếp, Tiên đều thẳng thắn. Thủy Tiên bày tỏ: “Môi trường làm việc của tôi rất thoải mái và sếp tôi cũng vậy, chúng tôi sẵn sàng tranh luận cả giờ để sáng tỏ vấn đề và kết luận cuối cùng dù là sếp hay nhân viên chưa đúng, đều xin lỗi nhau và vui vẻ làm việc.

Tôi nghĩ chuyện lính giỏi hơn sếp về chuyên môn hay sếp hơn lính từ chuyên môn đến quản lý là điều rất bình thường, phải có ưu điểm gì đó bạn mới được ngồi vào vị trí cao. Nhưng trong một tập thể mà lính không dám thể hiện quan điểm với sếp, chăm chăm làm theo chỉ đạo thì tôi nghĩ đó là một thất bại. Nhân viên giỏi hơn sếp chứng tỏ sếp có tài, đào tạo và quản lý được đội ngũ của mình. Còn nhân viên chưa tốt thì sếp cũng cần coi lại mình vì sao để cấp dưới đến mức như vậy, bởi ngay từ đầu tuyển dụng, ai cũng có bằng cấp, chứng chỉ như nhau”.

Hiện nay, nhân viên có đến 5-7 lựa chọn để kiểm tra một kiến thức mới trước khi cần lời tư vấn từ sếp. ChatGPT là một ví dụ như vậy. Nhiều người còn đặt câu hỏi, liệu nó có thể thay thế người lao động? Sau đó, có một làn sóng sa thải nhân viên ở các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Tất nhiên, điều này đến từ nhiều nguyên nhân, chứ không chỉ riêng sự lớn mạnh của các phần mềm công nghệ mới.

Lính hay sếp, ai giỏi thì tựu trung lại đều là một tập thể và mỗi người là một mảnh ghép trong đó. Những người được đào tạo chuyên môn bài bản, coi “cái tôi” lớn khi nói về công việc, cũng là điều bình thường. “Nhưng chúng ta đều cần nhau một cách tôn trọng và hợp tác, bởi người lao động hay nhà tuyển dụng đều không thiếu lựa chọn. Trăn trở ai giỏi hơn ai là một so sánh rất khập khiễng”, Thủy Tiên nói.
 

Vũ Hiền, Công ty Hòa Bình SND: Sếp giỏi sẽ có nhân viên giỏi

Theo tôi, sếp sẽ cần năng lực quản lý và chuyên môn bao quát, còn năng lực chuyên sâu chưa chắc đã giỏi hơn nhân viên. Nhân viên mỗi ngày đều làm công việc đó, lĩnh vực đó nên không có gì lạ khi có năng lực chuyên môn đôi lúc cao hơn sếp. Nhưng bạn nên hiểu rằng, sếp là người thúc đẩy, định hướng cho chiến lược, dự án mà bạn thực hiện và là người chịu trách nhiệm trước tiên. Một nhân viên để so sánh giỏi hay dở hơn so với sếp là rất khập khiễng. Nếu sếp có một nhân viên xuất sắc, có thể quản lý và hướng dẫn họ thì đó là sếp giỏi! Ở khía cạnh nhân viên, mọi người thường lấy chuẩn mực chuyên môn để đánh giá quản lý, nhưng đó chỉ là 1 phần trong tiêu chí của người sếp.

Theo sggp.org.vn
 


 

.
.
.