Thứ Ba, 09/05/2023, 09:54 (GMT+7)
.

Mong sao vơi bớt nhọc nhằn

Cắm bản dạy học nơi điểm trường vùng cao, những người thầy, người cô đang ngày đêm dấn thân vào những nơi gian khó để gieo chữ như một hành trình dài khó nói thành lời. Mong sao, trong hiện tại và tương lai, hành trình ấy sẽ vơi đi những nhọc nhằn.

Gieo chữ nơi vùng cao là cụm từ mà khi nhắc đến ai ai cũng mường tượng đến khó khăn, thiếu thốn mà những người thầy, người cô đang ngày đêm trải qua trên những điểm trường, những bản vùng cao từ Tây Bắc sang Đông Bắc, từ miền Trung, Tây Nguyên cho đến những hải đảo. Câu chuyện thương tâm của cô giáo Mai Thị Yến, giáo viên Trường Mầm non Đường Thượng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang trong đợt nghỉ lễ vừa qua đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của toàn xã hội, một lần nữa nói lên những vất vả, hiểm nguy mà đội ngũ các thầy cô giáo dạy học nơi vùng cao phải trải qua.

Thật khó để định lượng được những nhọc nhằn nơi điểm trường vùng cao nếu như chỉ ngước nhìn điểm trường nằm vắt vẻo lưng chừng núi, chỉ qua những bài viết, qua những phóng sự, qua những câu chuyện về công việc dạy học của đội ngũ các thầy cô giáo nơi vùng cao đang trải qua. Chỉ có những người trong cuộc, những người mang trong mình niềm đam mê nghề dạy học, sẵn sàng dấn thân vào nơi gian khó để mang tuổi thanh xuân cho con chữ được gieo mầm nơi bản làng mới thực sự trải nghiệm và thấu hiểu về chuyện dạy chữ nơi vùng khó. Họ là những người đang ngày đêm bám bản, bám làng, bám đảo và dành tâm huyết cho những điểm trường vì tương lai của con trẻ.

Thầy giáo vùng cao đưa học trò qua suối.
Thầy giáo vùng cao đưa học trò qua suối.

Có người đã từng nghĩ rằng khi bước chân vào nghề, không ai muốn đánh đổi tuổi thanh xuân để dấn thân vào vùng khó. Nghĩ như vậy, lấy ai dạy học ở những nơi vùng khó, công tác giáo dục ở những điểm trường sẽ do ai đảm nhiệm và tương lai con trẻ ở nơi vùng cao, hải đảo sẽ ra sao? Tâm huyết, lòng yêu nghề mến trẻ đã thôi thúc những người thầy, người cô đi vào nơi vùng khó, xa xôi để dạy học, gắn bó và trách nhiệm với công việc của mình. Nhiều thầy cô đã dành cả tuổi trẻ cho con chữ vùng cao, dành trọn yêu thương con trẻ cho những điểm trường. Có người đã tự nguyện ở lại vùng cao, trọn đời gắn bó với nơi ấy không trở về miền xuôi như buổi ban đầu thầm dự định.

Dạy học nơi điểm trường đồng nghĩa với việc thầy cô giáo đối mặt với muôn vàn thử thách mà những khó khăn đó thật khó nói thành lời. Khó từ con đường gập ghềnh, mờ sương đi đến điểm trường, khó từ cái giá buốt đến thấu da thịt trong những ngày rét đậm, rét hại, khó cả những lớp học tranh tre đơn sơ đến những đồ dùng dạy học còn ít ỏi. Có nơi thiếu điện, thiếu nước sạch, thiếu cả những điều kiện về vật chất và tinh thần cho cuộc sống hằng ngày. Ngày ngày lên lớp, thầy cô nơi điểm trường chỉ biết làm bạn với con trẻ, làm bạn với núi rừng và những bản làng bồng bềnh trong sương.

Điểm trường cách xa trung tâm, xa nhà, xa quê, thầy cô giáo ở những điểm trường vùng sâu từ lâu không chỉ học cách thích nghi với điều kiện sống ở vùng cao mà còn rèn cho mình vượt qua nỗi nhớ gia đình, người thân, đặc biệt là nỗi nhớ các con. Họ luôn giấu đi nỗi nhớ, giấu đi bao nỗi niềm, bao tâm sự để dành trọn tình yêu thương và tâm huyết cho những đứa trẻ đang khát khao con chữ. Mỗi ngày đến điểm trường, niềm vui đầu tiên khi thầy cô nhận được là các con đến đủ, không phải lo sĩ số, không phải vất vả lặn lội đến từng thôn, bản vận động học trò đến lớp. Bởi lẽ, dạy học ở vùng cao, các thầy cô giáo ngoài nhiệm vụ chính là dạy học còn phải đảm nhiệm vai trò là những cán bộ dân vận để học trò đến trường đều đặn mỗi ngày.

Việc dạy và học của thầy và trò ở những điểm trường vùng cao còn nhiều khó khăn.
Việc dạy và học của thầy và trò ở những điểm trường vùng cao còn nhiều khó khăn.

Chúng ta thật xúc động khi nghe những câu chuyện về những người thầy, người cô dạy học nơi điểm trường, nhất là bậc mầm non và tiểu học dành tâm huyết, yêu thương cho học trò. Ngày dạy học, buổi tối và sáng sớm chăm chút những bữa ăn, giấc ngủ cho học trò. Họ yêu thương, chăm lo cho học trò còn hơn cả con mình. Họ dỗ dành, vỗ về những đứa trẻ khóc mỗi khi nhớ nhà, họ dành những đồng lương ít ỏi để mua thêm quần áo, thức ăn cho học trò khi thiếu thốn, rét mướt, lo cho sức khoẻ các em mỗi khi bị ốm.

Vì điểm trường ở xa nhà, xa quê nên thường các thầy cô chỉ về thăm nhà mỗi khi nghỉ hè, nghỉ tết. Quãng đường “hạ sơn” về quê vào những dịp ấy lại là một hành trình không hề dễ dàng. Để ra được trung tâm, nơi có thể đi tàu, xe về quê mất đến cả ngày trời, có khi phải ngủ trọ gần bến xe để sáng hôm sau kịp giờ xuôi bến. Có nhiều thầy cô cùng tỉnh, cùng quê chung nhau thuê xe để về cho thuận lợi hơn. Sau những ngày nghỉ, thầy cô lại “ngược sơn” trở về những điểm trường. Vào mùa mưa, những con đường dốc núi lầy lội, trơ như đổ mỡ, dốc cao tự như đường lên trời. Có đoạn không đi được xe, thầy cô đành dắt bộ hay cùng nhau khiêng xe qua những con suối, những đoạn đường mới sạt lở. Họ vặn hết “dây cót” tinh thần để vượt qua những chặng đường khó nhọc, mong sao đến điểm trường đúng thời hạn trả phép.

Thầy giáo Nguyễn Văn Đại (Sa Pa, Lào Cai) tặng quà cho học sinh nghèo.
Thầy giáo Nguyễn Văn Đại (Sa Pa, Lào Cai) tặng quà cho học sinh nghèo.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục và chính quyền các địa phương, cuộc sống và điều kiện dạy học của các thầy cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo đã từng bước được cải thiện. Nhiều đoàn thiện nguyện, các tổ chức, cá nhân đã dành sự quan tâm, chia sẻ, chung tay góp sức các điểm trường. Nhờ đó, các thầy cô và học sinh tại vùng khó đã nhận được sự động viên, chia sẻ và có thêm động lực để tiếp tục cống hiến. Nhà nước cũng duy trì chế độ, chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy vậy, hiện tại và phía trước trong chặng đường gieo chữ của các thầy cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách mà bất kỳ ai khi dấn thân vào nơi ấy phải vững tâm, vững chí để vượt qua. Để con đường đến điểm trường của thầy cô và học trò vơi bớt những nhọc nhằn, mong sao sự quan tâm, động viên, chia sẻ của toàn xã hội luôn đến kịp thời và thường xuyên với thầy cô vùng khó. Đặc biệt là chính sách luân chuyển đối với giáo viên tại các điểm trường, tạo điều kiện cho thầy cô chuyển công tác đến các vùng thuận lợi hơn sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ tại vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Các địa phương cần chung tay chăm lo đời sống tinh thần và vật chất của giáo viên tại các điểm trường, không ngừng rà soát, hoàn thiện cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, lớp để góp phần làm giảm đi những khó khăn, thiếu thốn đối với giáo viên. Các nhà trường và ngành Giáo dục cần tăng cường hơn nữa sự tôn vinh, ghi nhận, khen thưởng đối với tấm gương thầy cô giáo dạy học nơi vùng khó.

Sự chung tay của toàn xã hội sẽ làm vơi bớt những khó khăn của thầy cô nơi điểm trường vùng cao.
Sự chung tay của toàn xã hội sẽ làm vơi bớt những khó khăn của thầy cô nơi điểm trường vùng cao.

Dạy học ở vùng sâu vùng xa còn đó những khó khăn vất vả mà thầy cô giáo, những người cắm bản đang ngày đêm phải đối diện và vượt qua. Tất cả vì tương lai của các em, những mầm non của núi rừng, của bản làng sẽ vươn lên xóa đi mây mù và nghèo đói trong nay mai. Phấn ở đâu cũng trắng như nhau nhưng dạy học ở vùng cao, thầy cô giáo có bao điều phải lo, bao nhọc nhằn phải vượt qua để làm tròn nhiệm vụ của mình đối với hành trình của những người đi gieo chữ. Thiết nghĩ, sự quan tâm của toàn xã hội sẽ làm nên những mùa xuân ở lại, thêm ấm lòng những thầy cô giáo đang “đắm” mình trong những vùng đất mờ sương./.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.