Chuẩn bị kỹ nhất cho kỳ thi
Chỉ còn 1 tuần nữa, hơn 1 triệu học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Kết quả thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa là yếu tố đánh giá chất lượng chỉ đạo tổ chức dạy học của địa phương trong giáo dục phổ thông.
Giờ ôn tập môn Toán của học sinh khối 12, trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn sử dụng kết quả thi này để xét tuyển. Do vậy, việc lường trước các kịch bản có thể xảy ra là hết sức quan trọng, vì chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thi.
Ngay trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra, một số bản in đề thi Toán kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 tại Hà Nội bị in mờ, phần gạch ngang giữa phân số không rõ khiến một số thí sinh hiểu nhầm, làm sai và có thể sẽ mất 2 điểm trong tổng điểm xét tuyển.
Sở GD-ĐT Hà Nội đã phải làm việc với hội đồng ra đề thi và các bộ phận liên quan, rà soát lại toàn bộ quy trình ra đề, in sao, đối chiếu bản gốc và bản in để công bố hướng xử lý. Đó là bổ sung đáp án trong trường hợp học sinh hiểu nhầm đề thi do mực in không rõ, việc chấm bài sẽ theo đáp án được bổ sung.
Đây là sự cố hy hữu, là bài học đắt giá, nhất là trong thời điểm sắp thi tốt nghiệp THPT. Sự cố này đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn liên tục dẫn chứng để yêu cầu các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng mọi khâu của kỳ thi tới đây, trong đó có việc in sao đề thi.
Với sự phân cấp trong kỳ thi, lãnh đạo các tỉnh, thành, với vai trò là trưởng ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, cần chuẩn bị thật tốt về phương diện kỹ thuật, trang thiết bị, cùng với đó là đội ngũ làm công tác coi thi, chấm thi. Việc tập huấn cán bộ coi thi, lực lượng phối hợp, hướng dẫn học sinh, đặc biệt là với cán bộ coi thi phải được làm thật sự kỹ lưỡng, để bảo đảm các công việc thông suốt.
Bên cạnh đó, từng khâu của việc in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bảo quản, vận chuyển, giao nộp bài thi, hay trường hợp có thời tiết bất thường, thiên tai, cháy nổ, mất điện… đều phải được lên nhiều phương án xử lý để chủ động, phòng ngừa tránh xảy ra bất cứ sai sót nào.
Để chuẩn bị kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT đã huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của bộ tại 63 sở GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT quán triệt tinh thần phải đảm bảo các khâu của kỳ thi đều được kiểm tra. Dù vậy, vẫn có thể xuất hiện tâm lý rằng công việc này nhiều năm đã làm, nên dễ chủ quan, từ chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị đến công tác kiểm tra, giám sát các quy trình của kỳ thi… Điều này cần phải được ban chỉ đạo thi quốc gia quán triệt tuyệt đối cho đến tận thời điểm cuối cùng của kỳ thi.
(Theo sggp.org.vn)