Thứ Hai, 05/06/2023, 15:22 (GMT+7)
.
Góc nhìn giáo dục

Sách giáo khoa đừng chỉ để... trưng bày

Tôi được tham gia cuộc họp phụ huynh cuối năm của con gái vừa kết thúc năm học lớp 1. Không khí buổi họp thân mật, giáo viên trao đổi cùng phụ huynh những ưu điểm và hạn chế của các con. Cuối buổi họp, cô gửi tận tay phụ huynh bộ sách giáo khoa, dụng cụ học tập của các con. Trong tôi dấy lên những xúc động vì cảm nhận được sự trưởng thành của con mình.

Ngay cuối buổi chiều hôm đó, khi đang tưới chậu cây cảnh ngoài sân, tôi có chút giật mình khi nghe tiếng gọi ngoài cổng:

- Bố Nguyệt Thu ơi! Anh cho em xem bộ sách giáo khoa của cháu với!

Tôi nhận ra đó là mẹ của Minh Đức, hàng xóm cạnh nhà. Tôi vui vẻ chào người hàng xóm rồi vào lấy bộ sách giáo khoa còn cất cẩn thận trong túi cho mẹ Minh Đức xem:

- Đây em! Chắc bộ sách của cháu còn thiếu cuốn nào à?

Mẹ Minh Đức nhận từ tay tôi, vội mở ra xem. Trừ hai cuốn Tiếng Việt và Toán, tôi thấy cô lật xem rất kỹ các cuốn sách khác. Sau khi xem xét cẩn thận, cô thắc mắc:

- Anh xem giúp em, có phải những cuốn sách này của cháu đều rất mới không?

 Ảnh minh họa: nhandan.vn
Ảnh minh họa: nhandan.vn

Nghe mẹ Minh Đức hỏi, tôi mới giật mình nhìn lại. Đúng thật, ngoại trừ hai cuốn sách Tiếng Việt và Toán đã cũ, thậm chí bong gáy, đã mấy lần tôi phải dán lại sách cho con thì những cuốn sách khác đều còn mới nguyên, không có dấu hiệu được sử dụng. Chưa đợi tôi trả lời, mẹ Minh Đức đã nói tiếp:

- Rõ ràng là các con chưa sử dụng. Trưa nay, mẹ con em dọn lại đồ dùng học tập để gửi về quê cho đứa cháu. Minh Đức mân mê cuốn Tự nhiên và Xã hội trên tay, mở trang có các hình ảnh nghề nghiệp được vẽ màu rất đẹp như giáo viên, nông dân, thợ xây, cảnh sát, lao công,... rồi hỏi em về ý nghĩa của từng công việc. Em hỏi Minh Đức không nhớ cô giảng bài này thế nào à? Anh biết cháu trả lời sao không? Cháu nói cuốn sách này con không được học. Rồi cháu chỉ thêm vào các cuốn Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm, Mỹ thuật... gần hết bộ sách giáo khoa. Em lo quá, phải sang xem Nguyệt Thu nhà anh có như vậy không?

Đến tối, nhóm Zalo của các phụ huynh có thông báo tin nhắn liên tục. Không chỉ Nguyệt Thu, Minh Đức mà các cháu khác đều xác nhận với bố mẹ không được học nhiều cuốn sách giáo khoa có trong nội dung chương trình học tập. Trước đó, giáo viên cũng thống nhất với phụ huynh chỉ cho học sinh mang sách giáo khoa Tiếng Việt và Toán về nhà, còn lại các cuốn sách giáo khoa và đồ dùng học tập khác sẽ để lại ở lớp, tránh việc các cháu để quên. Bài tập về nhà của các cháu cũng chỉ trong nội dung sách Tiếng Việt và Toán nên phụ huynh không hề hay biết các cháu không được học và sử dụng các sách giáo khoa khác.

Biết được câu chuyện, tôi và các phụ huynh đều rất buồn. Ở môi trường các con chúng tôi đang học, các kỹ năng, kiến thức được rèn luyện, học tập trong hai môn Tiếng Việt và Toán là quan trọng và cần thiết. Nội dung kiểm tra, đánh giá của học sinh lớp 1 cũng chủ yếu xoay quanh kiến thức hai môn trọng tâm này. Điều này vô hình trung đã tạo nên áp lực cho giáo viên trong việc phải tập trung thời gian, tâm huyết để rèn luyện kỹ năng, kiến thức của hai môn quan trọng cho học sinh.

Cũng chính sự thiên lệch này khiến các em học sinh lớp 1 nơi con tôi theo học bị mất quyền lợi được rèn luyện, học tập trong môi trường toàn diện. Trong phiếu đánh giá học tập, các cháu vẫn được đánh giá đúng theo quy định đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng thực tế một số môn học và năng lực phẩm chất đang cố tình bị bỏ quên trong hoạt động dạy học.

Tôi cho rằng, sách giáo khoa không phải mua chỉ để trưng bày, phiếu đánh giá học tập không phải chỉ để đẹp trong mắt phụ huynh. Chúng ta cần hướng đến việc trẻ được học tập, rèn luyện trong môi trường toàn diện, phát triển đầy đủ kiến thức, kỹ năng theo đúng chương trình đào tạo đã được các cấp phê duyệt.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.