Hoàn thiện Luật để báo chí hoạt động hiệu quả, sáng tạo
Luật Báo chí là hành lang pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân báo chí đang có nhiều thay đổi, chuyển mình không ngừng và đa chiều như hiện nay.
Phóng viên tác nghiệp trong một buổi họp báo về thi tốt nghiệp THPT. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN |
Vì vậy, việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016 để phù hợp với thực tiễn, theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại là cần thiết.
Cần thiết sửa đổi
Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí sau 6 năm thực hiện Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017). Theo đó, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm, phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập do Luật Báo chí 2016 không theo kịp với sự đổi mới về khoa học và công nghệ thông tin, trong thời kỷ nguyên số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30/3/2022 báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Báo cáo nêu đã ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.
Trong đó có một số nội dung như Luật Báo chí chưa có quy định để thúc đẩy chuyển đổi số báo chí trong thời đại phát triển công nghệ 4.0 sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata…, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung; quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; quy định về hoạt động tác nghiệp của phóng viên… Những vấn đề đó cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh.
Tiến sỹ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ, Luật Báo chí là hành lang pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân báo chí đang có nhiều thay đổi, chuyển mình không ngừng và đa chiều. Tuy nhiên, Luật hiện hành vẫn còn những nội dung cần được làm rõ để phù hợp với hình hình phát triển nhanh, hiện đại của báo chí hiện nay. Chẳng hạn như, có nên phân cấp “Thẻ nhà báo” và “Thẻ phóng viên” hay không; hoặc nên bổ sung vấn đề nếu đăng sai trên báo in với mức độ nghiêm trọng, dù đã đăng cải chính xin lỗi, còn cần thu hồi số báo đã phát hành để tránh những thiệt hại về mặt thông tin...
Theo Tiến sỹ Lê Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Luật Báo chí đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật có một số khó khăn, vướng mắc được Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận qua các hội nghị, tổng kết, báo cáo. Đó là, Luật chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa”, gây khó khăn trong công tác quản lý. Luật chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí. Trong khi đó, chính các đối tượng bị điều chỉnh theo Luật Báo chí 2016 không nắm chắc Luật, dẫn đến tình trạng thực hiện không đến nơi đến chốn.
Bên cạnh đó, Luật Báo chí 2016 chỉ quy định về nhà báo và phóng viên thường trú, chưa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên trong khi thực tế đội ngũ này ở văn phòng đại diện các địa phương khá nhiều. Quy định về phóng viên: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo” chưa bao quát hết các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong các cơ quan báo chí, bao gồm những người hoạt động nghiệp vụ dưới 2 năm (chưa đủ điều kiện để cấp thẻ nhà báo)...
Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Nhà báo và Công luận Lê Trần Nguyên Huy cho rằng, sự xuất hiện của công nghệ truyền thông mới, sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình truyền thông mới cũng như sự đổi thay trong cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng, đặc biệt gần đây là sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến đời sống báo chí truyền thông thay đổi về mặt căn bản.
Nhiều vấn đề báo chí mới, phức tạp từ đó cũng nảy sinh khiến Luật Báo chí 2016 hiện hành chưa bao quát được hết. Đơn cử như các quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động của các loại hình hoạt động thông tin có tính chất báo chí như mạng xã hội, ứng dụng (App) trong nước và xuyên biên giới đang phân phối nội dung trên internet… đòi hỏi có những điều chỉnh kịp thời để quản lý được chặt chẽ hơn.
Đạo đức báo chí ngày càng “nóng”, tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi… ngày càng gia tăng đòi hỏi Luật Báo chí cần có sự điều chỉnh trong quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, quy định về việc thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, quy định về điều kiện, tiêu chuẩn nhà báo, trong đó phải nhấn mạnh tới yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trước khi cấp thẻ Nhà báo lần đầu…
Sửa đổi để phát triển
Có thể thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là bao quát được sự phát triển của truyền thông và báo chí hiện đại.
Từ thực tiễn đời sống báo chí cũng như thực tế hoạt động tác nghiệp tại tòa soạn của Báo Nhà báo và Công luận, ông Lê Trần Nguyên Huy đề xuất, Luật Báo chí cần sửa đổi bổ sung theo hướng tạo ra hành lang pháp lý để xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích báo chí phát triển trên nền tảng số. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của những công cụ trí tuệ như AI sẽ có tác động căn bản tới hoạt động báo chí, trong đó có đạo đức nghề nghiệp, vì vậy cần thiết phải bổ sung, sửa đổi về Luật để báo chí hiện đại vẫn đảm bảo được tính khách quan, trung thực.
Cùng với đó là bổ sung quy định quản lý liên quan tới các hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quy định rõ điều kiện thành lập, hoạt động, vai trò, nhiệm vụ của trang tin điện tử tổng hợp; sửa đổi chính sách nhằm hỗ trợ, ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí đối với cả 4 loại hình để tái đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị…
Tiến sỹ Đồng Mạnh Hùng, Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, không thể phủ nhận rằng hiện nay, tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, thậm chí là có biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, nhận nguồn tài trợ để tác động vào báo chí truyền thông nhằm những mục đích vụ lợi đang diễn ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Luật Báo chí còn chưa có quy định chặt chẽ về kinh tế báo và vai trò của báo chí trong việc làm kinh tế. Với vấn đề mới và quan trọng như kinh tế báo chí, rất cần quy định cụ thể, nếu được có thể quy định thành một chương trong luật. Chỉ khi có những quy định cụ thể, các cơ quan báo chí mới phát huy được vai trò làm kinh tế của mình và làm kinh tế báo một cách lành mạnh góp phần tạo môi trường báo chí xanh như chúng ta mong muốn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, thay vì chỉ chú trọng vào chủ thể sản xuất nội dung số trong Luật Báo chí 2016, cần đề cập tới quyền và trách nhiệm của tất cả các chủ thể của báo chí số và truyền thông đa nền tảng, chủ thể trong nước, nước ngoài, bổ sung, nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của công chúng số. Định hướng phát triển các nền tảng số như: Website, ứng dụng di động để thuận lợi hơn cho phát triển và quản lý báo chí số; tạo điều kiện pháp lý để tăng cường chất lượng, phạm vi phát hành nội dung báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, sửa đổi theo hướng này sẽ góp phần tháo gỡ những vấn đề đặt ra về cơ sở pháp lý nhằm đảm báo quản lý báo chí truyền thông trong chuyển đổi số báo chí, với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ AI, blockchain…, xây dựng hệ thống dữ liệu số báo chí, hệ sinh thái số cũng như các vấn đề về phát triển, quản lý nền kinh tế số nói chung, kinh tế báo chí truyền thông số quốc gia cũng như từng cơ quan báo chí.
Bộ Tư pháp đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, từ đó tham mưu, thẩm định Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí 2016, đưa Dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong thời gian tới.
(Theo https://baotintuc.vn/thoi-su/hoan-thien-luat-de-bao-chi-hoat-dong-hieu-qua-sang-tao-20230613093939140.htm)