Thứ Tư, 28/06/2023, 14:23 (GMT+7)
.

Lực đẩy đầu tư công

Những ngày gần đây, nhiều dự án trọng điểm quốc gia được khởi công, như: Đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... Một lượng lớn vốn đầu tư công dành cho các dự án này sẵn sàng bơm vào nền kinh tế.

Đây là nguồn lực quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có tác động lan tỏa đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Để dòng vốn đầu tư công thực sự đi vào cuộc sống, dự án triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, thì những yếu tố cần quan tâm hàng đầu là giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng vật liệu và các cơ chế, chính sách kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 95% kế hoạch. Mục tiêu này vẫn còn không ít thách thức khi tốc độ giải ngân không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Vấn đề đặt ra là tại sao cùng một khung khổ cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao, nơi lại chậm chạp, ì ạch. Kinh nghiệm từ triển khai các dự án đầu tư công thời gian qua cho thấy, công tác chuẩn bị dự án có ý nghĩa quyết định. Dự án càng được chuẩn bị kỹ thì quá trình triển khai càng thuận lợi, ít phát sinh, bổ sung hạng mục hay phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, hạn chế biến động giá cả, nhờ vậy có thể bảo đảm tiến độ giải ngân vốn. 

Hiện nay, đầu tư công được thực hiện theo kế hoạch trung hạn 5 năm, hằng năm và phân bổ vốn cụ thể cho từng dự án. Đây là điều kiện để các địa phương, bộ, ngành có thể triển khai một số công việc chuẩn bị trước khi khởi công dự án, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng. Đơn cử như với dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đến thời điểm khởi công vào cuối tháng 6-2023, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, riêng Hà Nội đạt trên 84%, cao hơn mức 70% theo kế hoạch đề ra. Để có được kết quả này, Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục liên quan, đồng thời tăng cường phân cấp, ủy quyền cho địa phương ở cơ sở, vừa giúp giảm đầu mối, vừa sát thực tế. 

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến dự án đầu tư công, đặc biệt với dự án hạ tầng giao thông là nguồn cung cấp vật liệu. Bài học từ triển khai dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cho thấy, do vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu không được xác định chính xác từ khâu khảo sát, thiết kế dẫn đến lúc thi công nguồn cung nhỏ giọt. Bên cạnh đó, thủ tục cấp phép, điều chỉnh khai thác mỏ mất nhiều thời gian nên khi các dự án triển khai đồng loạt khiến vật liệu khan hiếm, giá cả leo thang. Đây là vấn đề cần được khắc phục triệt để với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm nguồn vật liệu cấp phép cho dự án nào phục vụ chính dự án đó, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên.

Những bước chuẩn bị chu đáo cùng với quyết tâm, nỗ lực của các chủ thể tham gia sẽ thúc đẩy dự án đầu tư công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Qua đó, không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP mà còn tạo hiệu ứng tích cực thông qua hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Nguồn vốn này cũng định hướng, thu hút các dòng vốn khác của xã hội, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên, khơi dậy động lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, vùng, miền trên cả nước.

(Theo www.qdnd.vn)

 

 

.
.
.