.

Kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục

Cập nhật: 10:32, 15/07/2023 (GMT+7)

Nếu coi giáo dục là công việc "trồng người", thì chương trình và sách giáo khoa có thể ví như mảnh đất và công cụ lao động. Để công cuộc "trồng người" bội thu quả ngọt, thì có đất, có công cụ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ.

Ðại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo:  Ðể thực hiện trọn vẹn mục tiêu, phải làm từng bước
Ðại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Sơn (thứ hai từ phải sang), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo: Ðể thực hiện trọn vẹn mục tiêu, phải làm từng bước.

Cơ bản đáp ứng yêu cầu

Ðại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo:

Ðể thực hiện trọn vẹn mục tiêu, phải làm từng bước

Đổi mới là quá trình, có những vấn đề đặt làm mục tiêu phấn đấu chứ không thể ngay lập tức thực hiện được đầy đủ, trọn vẹn. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là chương trình chi tiết, làm căn cứ chuẩn để dạy học, khác về "chất" so với chương trình 2006 chỉ quy định về khung có tính định hướng... Các loại sách giáo khoa không hoàn toàn khác biệt nhau, mà chỉ khác về phương pháp để đi đến mục tiêu giáo dục.

Sau chín tháng triển khai giám sát, báo cáo về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2023. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023.

Kết quả, có 63 đoàn đại biểu Quốc hội, 48 Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã báo cáo kết quả liên quan đến nội dung này cho Đoàn giám sát. Đoàn giám sát đã xây dựng 13 báo cáo chuyên đề, trong đó có ba báo cáo chuyên đề được biên soạn thêm trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn, dư luận xã hội, ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến cử tri và nhân dân. Việc xây dựng các báo cáo chuyên đề là cách làm rất mới, chưa có tiền lệ.

Theo dự thảo báo cáo giám sát, việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã đạt được kết quả bước đầu. Hệ thống văn bản được ban hành đã tương đối bao quát toàn bộ các mặt, lĩnh vực. Công tác chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cơ bản bao quát toàn diện các nội dung theo yêu cầu đổi mới; bảo đảm sự sâu sát và kịp thời trong chỉ đạo triển khai và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng, miền và cơ bản đã đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới.

Còn nhiều việc phải làm

Tuy nhiên, thực tiễn giám sát cũng đã làm nổi bật nhiều vấn đề cần lưu ý, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; nội dung chương trình và sách giáo khoa cho đến đội ngũ nhà giáo; các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng như về kinh phí và quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát, nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện ban hành chậm tiến độ hoặc có thể thức và nội dung chưa phù hợp. Một số văn bản cần được ban hành dưới hình thức thông tư, nhưng lại được ban hành bằng hình thức công văn, không đúng với quy định và dễ gây ra sự tùy tiện. Chẳng hạn, Công văn số 5576/BGDĐT-GDTH ngày 2/12/2021 về hướng dẫn biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục "Địa phương em" trong chương trình môn lịch sử và địa lý lớp 4 cấp tiểu học; Công văn số 3036/BGDĐT-GDTH ngày 20/7/2021 về tăng cường chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục của địa phương cấp tiểu học. Ở một số địa phương cũng có tình trạng tương tự.

Tiến độ biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa còn chậm; thời gian cho thử nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới hạn chế, không có điều kiện để tổ chức thực nghiệm theo cả chiều rộng và chiều sâu. Việc ban hành chương trình các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ hai (môn học tự chọn) và chương trình các môn ngoại ngữ một ngoài tiếng Anh chậm so với các môn học khác.

Trong khi đó, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa, thiếu cục bộ; đồng thời thiếu so với quy định. Chẳng hạn, việc đưa môn nghệ thuật vào chương trình cấp THPT cần bổ sung giáo viên. Hoặc nội dung môn giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp… chưa được tính tới khi phân bổ biên chế.

Tham gia giám sát tại Hưng Yên, bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, tỉnh này hiện có 346 trường từ tiểu học đến THPT, 172 cơ sở giáo dục thường xuyên. Khảo sát thực tế tại một số cơ sở giáo dục, năng lực của một bộ phận nhà giáo còn hạn chế, công tác đào tạo và bồi dưỡng còn bất cập. Thông thường để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục mới, tỉnh sẽ tổ chức một cuộc tập huấn online tập trung, giáo viên các trường được mời tới một điểm để học trực tuyến.

"Tuy nhiên, thời gian rất hạn chế, thí dụ như hai ngày đi học cả sáu bộ môn. Nhiều trường hợp thời gian tập huấn này chủ yếu chỉ là để giúp giới thiệu và bán sách giáo khoa", bà Cầm thẳng thắn nhận xét.

Cùng với đó là tình trạng thiếu trường, lớp tồn tại ở một số địa phương. Thậm chí ngay tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến, nhiều khu đô thị không có trường học, nên ở nhiều trường, sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định, dẫn đến hiệu quả giáo dục còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị một số trường còn thiếu, chưa đồng bộ, đang xuống cấp, chưa có đủ phòng học chức năng theo yêu cầu…

Chính vì thế, Đoàn giám sát đồng ý với một đề xuất quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo đối với Quốc hội là tiếp tục bố trí nguồn vốn để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội giao thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục phổ thông; giao thẩm quyền phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để bảo đảm tính phân cấp, phân quyền trách nhiệm…

Tính đặc thù của công chức, viên chức ngành giáo dục cũng cần tiếp tục được lưu ý trong quá trình xây dựng chính sách tiền lương.

Và như thế, tất nhiên, không chỉ riêng ngành Giáo dục và Đào tạo có thể đảm đương được nhiệm vụ phức tạp, nặng nề đó, mà cả các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ và chính quyền các địa phương phải tiếp tục cùng vào cuộc.

(Theo nhandan.vn)
 

 

.
.
.