Thứ Năm, 03/08/2023, 12:21 (GMT+7)
.

Băn khoăn câu chuyện học gì, thi gì và làm gì?

Mỗi năm, cứ đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), xét tuyển đại học, chúng ta lại nghe những ý kiến như lo ngại về tính phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT, trả tuyển sinh lại cho trường đại học…

Rồi đến thời điểm công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên cả nước, như năm 2023 là 98,88%, cao nhất kể từ khi kỳ thi bắt đầu đổi mới năm 2015, lại râm ran những đề xuất như thi tốt nghiệp THPT dễ vậy thì nên bỏ và duy trì tuyển sinh đại học, bỏ xét đại học bằng học bạ, quá tốn kém để loại ra 1,12% học sinh rớt tốt nghiệp…

Thực tế cho thấy, mục tiêu việc học sau THPT chính là câu chuyện nghề nghiệp. Việc thực hiện phân luồng học sinh sau THCS cũng không nằm ngoài mục tiêu này. Vì lẽ đó, nếu xác định “học gì cho phù hợp với năng lực và thực tế bản thân” có thể sẽ tốt hơn việc đặt ra chỉ tiêu phân luồng, vì không hẳn tất cả học sinh giỏi đều vào các trường THPT và cũng không hẳn sẽ vào các trường đại học.

Nhìn qua kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp, bình quân tại Đại học Quốc gia TPHCM tỷ lệ này trên 85%, trong đó cao nhất ở 5 lĩnh vực đào tạo là Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; Nhân văn; Khoa học Tự nhiên; Kiến trúc và xây dựng; Khoa học xã hội và hành vi. Đây cũng chính là điều ấn tượng: Thứ nhất, vì nhiều năm qua, 5 lĩnh vực khó tuyển sinh nhất của Việt Nam là Nông - Lâm nghiệp và thủy sản; Khoa học sự sống; Khoa học tự nhiên; Dịch vụ xã hội thì ở Đại học Quốc gia TPHCM lại là những lĩnh vực mà sinh viên tốt nghiệp có việc làm thuộc nhóm cao nhất. Thứ hai, kết quả cũng gợi lên điều thú vị là việc chọn bài thi Khoa học xã hội cao hơn bài thi Khoa học tự nhiên không là nguyên nhân làm mất lợi thế của học sinh trong chọn ngành học sau THPT.

Từ đó cho thấy, việc tiếp cận nghề nghiệp tại Việt Nam để chọn trình độ học phù hợp là điều rất quan trọng. Nhu cầu biết thông tin về “nguồn nhân lực” không chỉ là mong đợi của thí sinh mà cũng rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác, nhưng trên thực tế, chưa có dự báo nào được thống kê mang tính chất toàn quốc, được dự báo theo khu vực, tỉnh, thành và dự báo đến lĩnh vực, đến nhóm ngành đào tạo.

Trong khi đó, danh mục nghề nghiệp Việt Nam (được sử dụng trong công tác thống kê về lao động Việt Nam và làm cơ sở để quản lý lao động theo nghề) được ban hành năm 2020, với 10 nhóm nghề cấp 1, gần 800 nghề cấp 5, được mô tả khá chi tiết. Với nhóm nghề cấp 1, yêu cầu trình độ đại học chỉ xuất hiện ở 3 nhóm nghề. Vì vậy, việc tiếp cận và hiểu rõ danh mục này không chỉ giúp học sinh trong định vị nghề mà còn giúp các trường đại học chú trọng hơn trong việc mở ngành.

Ngoài ra, bên cạnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cần thiết phải có quy hoạch nguồn nhân lực các địa phương theo từng giai đoạn, vừa giúp cho người học cũng là cách để thu hút nguồn nhân lực về địa phương.

Kỳ thi và xét tuyển năm 2023 xem như đã kết thúc kể từ ngày 30-7 và dư luận vẫn đang muốn biết đến năm 2025 thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học sẽ thế nào. Đây là câu hỏi cần phải được trả lời sớm để học sinh và giáo viên định hướng tốt việc học, phương pháp dạy, vì Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai có nhiều điểm mới, nhất là việc phân nhóm các môn học và thêm 2 môn học mới là hướng nghiệp, trải nghiệm và giáo dục địa phương.

Cũng thông qua 2 môn học này mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được kỳ vọng là sẽ khắc phục tình trạng học sinh chọn nhầm ngành, nhầm nghề. Nếu được giảng dạy bài bản, nhất thiết phải áp dụng tiêu chí này trong thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Khi chưa kiểm soát sự thống nhất về chuẩn chất lượng ở các trường THPT trên cả nước thì năm 2024, 2025 có lẽ vẫn chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.