Để nhà sản xuất không đứng ngoài chuỗi cung ứng vùng nông nghiệp
Liên kết vùng nông nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp phân phối và nhà sản xuất nông nghiệp là hai định hướng được các nhà quản lý đề ra với mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ nông sản từ nhiều năm nay. Nhưng thực tế cho thấy việc tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khó khăn khi nhà sản xuất không đáp ứng được yêu cầu đầu vào của thị trường, nhà phân phối.
Vì sao cung – cầu chưa thể gặp nhau?
Về phía nhà phân phối, ông Trần Mạnh Chiến, người sáng lập chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm mang thương hiệu Bác Tôm, cho biết đơn vị của ông ưu tiên phân phối sản phẩm hữu cơ, với ưu tiên dành cho các hợp tác xã (HTX), nhà sản xuất có chứng nhận của Mỹ, Nhật Bản hoặc VietGAP. Nhưng hiện rất ít đơn vị của Việt Nam có những chứng nhận này.
“Điều này khiến đơn vị mất rất nhiều công sức tìm kiếm, chứng minh với khách hàng về độ tin cậy của sản phẩm hoặc phải thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất”, ông Chiến nói tại một hội thảo về liên kết vùng trong phát triển kinh tế diễn ra tuần qua.
Với những nhà sản xuất đã có chứng nhận VietGAP, đại diện Bác Tôm cho biết đơn vị vẫn phải tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều điều kiện khác chưa đạt, chưa bao gồm chứng nhận cao hơn về hữu cơ.
Mấu chốt để giải quyết vấn đề này, theo ông Chiến, là các HTX và nhà sản xuất phải tham gia vào mạng lưới hữu cơ để gia tăng tính tin cậy cho sản phẩm.Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng các chứng nhận chất lượng cho nhà sản xuất.
Bên cạnh vấn đề trên, ông Chiến cho biết bối cảnh thị trường yêu cầu các HTX và nhà sản xuất phải biết ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử, hạn chế sử dụng hóa đơn, giấy tờ thủ công. Ngoài ra, sản phẩm xuất xưởng cần có thương hiệu.
Bên cạnh phát triển hạ tầng, cần phải giải quyết được bài toán sản xuất hỏ lẻ, thiếu liên kết để đưa nông nghiệp phát triển bền vững. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh |
Bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam, cho biết một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp ngại kết nối với HTX, nười nông dân là tính cam kết của đối tượng này rất yếu. Điển hình là việc doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho một số HTX với giá cao gấp đôi so với giá bán trên thị trường, nhưng HTX lại bán sản phẩm tốt cho các siêu thị và bán sản phẩm loại 2 cho doanh nghiệp.
Thậm chí, có trường hợp khi doanh nghiệp cung cấp cá cho trường học với lời cam kết cá sạch, không có dư lượng kháng sinh từ nơi sản xuất. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại phát hiện cá có dư lượng kháng sinh rất cao.
“Chúng tôi rất muốn phân phối hàng hoá cho người nông dân nhưng chỉ được vài vụ đầu họ thực hiện đúng cam kết”, bà Hằng nói và cho rằng yếu tố này khiến doanh nghiệp phân phối khó có thể liên kết, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho HTX và người nông dân.
Về phía đơn vị sản xuất, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX nông trại xanh Ba Vì, cho rằng việc liên kết các bên khó có thể diễn ra khi nhà phân phối mà đẩy cái khó khăn cuối cùng về người nông dân, dẫn tới “không tạo ra được sân chơi và giá trị thực thụ cho chủ thể liên kết”.
Theo ông Hùng, doanh nghiệp phân phối là chủ thể giữ vai trò bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người nông dân, tức đối tượng quyết định sản xuất gì, cho ai, đối tượng nào. Tuy nhiên, thực tế là nhiều doanh nghiệp phân phối muốn bán các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, trong khi nhà sản xuất chưa biết tiêu chuẩn hữu cơ, mẫu mã, bao bì sản phẩm.
“Chúng tôi là nhà sản xuất nên rất muốn được là mắt xích, liên kết vùng, nhưng chưa có cơ hội giao lưu với những chủ thể đầu ra. Vậy muốn gặp được phải làm thế nào, chúng tôi tự tìm đến hay cơ quan quản lý chủ trì, tạo sân chơi để chúng tôi tiếp cận thông tin và chuyển hướng sản xuất theo yêu cầu nhà bán buôn”, ông Hùng đặt câu hỏi
Với yếu tố logistics, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền cao cấp của chuỗi bán lẻ Winmart – Công ty Wincommerce, bày tỏ mong muốn đưa các sản phẩm nông sản chất lượng cao của nhiều vùng, miền đến với khách hàng với mức giá và chất lượng tốt nhất. Nhưng để sản phẩm từ nông trại đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, tươi nhất và tốt nhất thì cần những logistics.
Ông Hà thừa nhận đây là bài toán “đau đầu” nhất, bởi chi phí logistics rất cao, thường chiếm 30% giá thành phẩm.
“Làm thế nào phải giảm chi phí này vì nó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các ngành hàng. Tuy nhiên, sau khi làm việc với cácdoanh nghiệp hiện nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp, đặc biệt là các vấn đề tồn kho”, ông Hà cho biết.
Tổng kết, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, thừa nhận liên kết vùng còn yếu, nhất là chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng – yếu tố đặc biệt quan trọng để bảo đảm cho liên kết vùng có hiệu quả – chưa được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay.
Ngoài ra, cách phân vùng kinh tế – xã hội còn nhiều mặt hạn chế, chưa phát huy được lợi thế so sánh từng vùng theo chuỗi giá trị sản phẩm, các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng vẫn còn bị bỏ ngỏ.
“Thực tế các địa phương hiện nay đều đang tận dụng những lợi thế sẵn có của mình để phát triển kinh tế nhanh hơn. Kết quả là, mặc dù các tỉnh đã có chương trình ký kết hợp tác nhưng vẫn chưa khai thác hết các điều khoản đã ký kết”, ông Tuấn nói.
Để nhà cung ứng – sản xuất cùng gia nhập chuỗi liên kết giá trị
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài, các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý cho rằng việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.
TS Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ban Kinh tế Trung ương, kiến nghị kết hợp quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng nhằm tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh của vùng, góp phần sớm hình thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển và ngành hàng nông sản mạnh.
Để làm được việc này, ông Hùng cho rằng cần có sự phối hợp và hợp tác thiết thực của các doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp, nhất là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cần nâng cao nhận thức về hiệu quả của liên kết kinh tế. Đây là nền tảng để họ chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thiết lập các mối liên kết phù hợp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như liên kết về thị trường, liên kết trong chuỗi giá trị của nông sản.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp qua việc tiếp tục cải thiện môi trường pháp luật, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển. Cụ thể hơn, cần tiếp tục thúc đẩy tích tụ ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng mô hình cánh đồng lớn.
Còn bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex), cho rằng doanh nghiệp hiện tiếp cận khá hạn chế với chính sách hỗ trợ phát triển liên kết vùng, phát triển nông nghiệp sạch và hữu cơ. Do đó, các cơ quan quản lý cần cắt giảm thủ tục hành chính, nhất là thủ tục tiếp cận chương trình tín dụng xanh và cho vay với lãi suất ưu đãi.
Về truyền thông chính sách, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung – cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất – kinh doanh theo hướng ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung về sản phẩm, hạn chế tổn thất cho người nông dân. Ngoài ra, duy trì, đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, đồng thời kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối của các tỉnh, thành phố với nhau.
“Cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị, HTX để quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa được sản xuất đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối để biết đến, ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa, hỗ trợ đưa hang vào kênh phân phối nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa lợi thế sang thị trường các nước thông qua một số kênh phân phối nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Central Group, Aeon, Lotte, Mega Market”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về công nghệ, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX Ninh Bình, mong muốn các HTX tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị để xây dựng chuỗi chế biến sâu.
Thực tế, Liên minh HTX Ninh Bình đang hỗ trợ Liên hiệp dê Ninh Bình xây dựng mô hình sản xuất gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc chế biến sản phẩm về dê vẫn hạn chế ở một mức độ nhất định.
Do đó, vị này mong muốn chính quyền tỉnh thực hiện liên kết vùng với các tỉnh, qua đó tạo ra các sản phẩm chế biến sâu về dê như lạp xưởng dê, đùi dê hun khói…
“Cần có thêm các chính sách hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng để HTX nâng cao năng lực… Xây dựng sản phẩm OCOP đưa ra thị trường, chứng minh được chất lượng thật, ngon, có thương hiệu riêng”, bà Tâm nói.
(Theo thesaigontimes.vn)